Khơi thông vốn nội, đón ngoại lực: Thị trường chứng khoán Việt đã đủ hấp dẫn?

Dòng vốn nội dồi dào, ngoại lực sẵn sàng, thị trường chứng khoán Việt Nam cần gì để trở thành điểm đến đầu tư dài hạn?

“Hàn thử biểu” của nền kinh tế

Một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ ngày những phiên giao dịch đầu tiên được khởi động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước ra khỏi giai đoạn chập chững để vươn lên vị thế mới. Từ con số 0 với vài trăm tài khoản giao dịch, nay Việt Nam đã có gần 10 triệu tài khoản nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên một cộng đồng đầu tư sôi động bậc nhất khu vực. Từ 2 - 3 doanh nghiệp niêm yết ban đầu, đến nay, thị trường chứng khoán đã có hàng trăm doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa tỷ đô.

Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”, do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức ngày 23/7. Ảnh: Chí Cường

Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”, do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức ngày 23/7. Ảnh: Chí Cường

Tại tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức ngày 23/7, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết, trên bản đồ chứng khoán ASEAN, Việt Nam vẫn được xem là thị trường non trẻ so với các nước đi trước như: Philippines với bề dày hơn 100 năm, Malaysia 65 năm, Thái Lan 50 năm. Tuy nhiên, những thành tựu tích lũy đã giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách đáng kể.

“Về quy mô vốn hóa, Việt Nam đã tương đương Malaysia, chỉ kém Thái Lan một chút và vượt qua Philippines. Đặc biệt, tuần giao dịch vừa qua ghi nhận thanh khoản của thị trường Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, đây là minh chứng thuyết phục cho sức hút ngày càng tăng của thị trường chúng ta”, ông Bùi Hoàng Hải khẳng định.

Đồng quan điểm và tự hào vì thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua chặng đường 25 năm thành lập và phát triển với nhiều dấu ấn, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh bày tỏ, đằng sau sự thành công đó là một nền tảng vững chắc được xây dựng trong suốt 25 năm.

“Chúng ta đã hình thành được hệ thống thành viên thị trường có tiềm lực tài chính, đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp liên tục. Việc triển khai thành công hệ thống công nghệ giao dịch KRX mới đây không chỉ giải quyết bài toán quá tải của hệ thống cũ mà còn mở đường cho việc rút ngắn thời gian ra mắt các sản phẩm mới. HOSE hiện đã có 390 doanh nghiệp niêm yết với tổng vốn hóa hơn 3 triệu tỷ đồng, trở thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn quan trọng, đồng thời là “hàn thử biểu” của nền kinh tế”, bà Trần Anh Đào thông tin.

Phó Tổng giám đốc HOSE, nhớ lại những dấu ấn gắn liền với từng giai đoạn phát triển của thị trường như: Cú hích từ gia nhập WTO năm 2006, những biến động của khủng hoảng tài chính 2008, thời kỳ thị trường đi ngang kéo dài rồi bùng nổ giao dịch trực tuyến trong đại dịch Covid-19… Mỗi giai đoạn đều cho thấy sự thích nghi linh hoạt của thị trường trước biến động vĩ mô. Nội lực của khối doanh nghiệp niêm yết hiện cũng đang hồi sinh mạnh mẽ so với 2 - 3 năm trước, hứa hẹn mở ra chu kỳ phát triển mới.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Chí Cường

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Chí Cường

Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải cũng khẳng định, thành tựu ấy là kết quả của nhiều cải cách liên tục. Chính phủ và cơ quan quản lý đã kiên trì tháo gỡ các rào cản lớn, cải thiện khung pháp lý, đồng thời duy trì trao đổi trực tiếp với các quỹ đầu tư quốc tế để lắng nghe phản hồi và cải thiện trải nghiệm của nhà đầu tư.

Vốn nội dồi dào, đón chờ ngoại lực

Chia sẻ về nguồn vốn nội, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM cho biết, hiện vốn trong dân là rất lớn, khoảng 76 triệu tỷ đồng vẫn đang nằm trong ngân hàng, chưa kể lượng tài sản số và vàng mà người dân đang nắm giữ. Tỷ lệ tiết kiệm cao cho thấy, tiềm lực tài chính dồi dào, nhưng điều đáng nói là dòng vốn này chưa thực sự được đưa vào các kênh đầu tư dài hạn để hỗ trợ nền kinh tế.

Để khơi thông nguồn lực này, yếu tố đầu tiên được nhấn mạnh là giáo dục tài chính. Dù Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều chương trình nâng cao kiến thức cho nhà đầu tư, song theo bà Giao, cần phải đưa nội dung này thành một phần của giáo dục phổ thông, bắt đầu từ lứa tuổi 15 - 19. Những khóa học ngắn hạn đã chứng minh tính hiệu quả khi nhiều bạn trẻ sẵn sàng bắt đầu đầu tư với số vốn nhỏ. “Khi ý thức tài chính được hình thành từ sớm, dòng vốn nhàn rỗi sẽ được chuyển hóa thành nguồn lực đầu tư chuyên nghiệp, góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Giao nói.

Bên cạnh đó, kênh phân phối sản phẩm tài chính cũng đang là điểm nghẽn lớn. Ở các thị trường phát triển, ngân hàng là kênh tư vấn chính cho nhà đầu tư cá nhân. Nhân viên ngân hàng phải được cấp chứng chỉ hành nghề, tuân thủ quy trình tư vấn chặt chẽ và bị xử lý nếu tư vấn sai khẩu vị rủi ro của khách hàng. Trong khi đó, khủng hoảng trái phiếu năm 2022 đã bộc lộ điểm yếu nghiêm trọng của kênh này tại Việt Nam khi thiếu sự chuẩn hóa. Việc thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ không chỉ tạo niềm tin cho nhà đầu tư cá nhân mà còn giúp họ dịch chuyển từ gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư dài hạn.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM cho rằng nguồn vốn trong dân là rất lớn. Ảnh: Chí Cường

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM cho rằng nguồn vốn trong dân là rất lớn. Ảnh: Chí Cường

Ngoài việc khơi thông nguồn vốn nội, dòng vốn ngoại được dự báo sẽ trở thành động lực quan trọng nếu Việt Nam cải thiện hai yếu tố then chốt: nâng hạng thị trường và nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Bà Trịnh Quỳnh Giao cho rằng, khi tín nhiệm quốc gia được nâng lên mức đầu tư, chi phí vay vốn của doanh nghiệp sẽ giảm mạnh, từ mức 8%/năm xuống chỉ còn 4 - 5%/năm, tương đương các doanh nghiệp cùng ngành ở Indonesia. Quan trọng hơn, điều này chứng minh rủi ro chính sách đã giảm, tạo niềm tin vững chắc cho các quỹ đầu tư dài hạn.

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), cũng chia sẻ rằng nhiều nhà đầu tư lớn đang “chờ sẵn”, chỉ cần thị trường được nâng hạng là họ sẽ tham gia ngay. Dự báo, dòng vốn thụ động qua các quỹ ETF sẽ đạt khoảng 1 - 2 tỷ USD trong giai đoạn đầu, trong khi dòng vốn chủ động qua các quỹ đầu tư có thể lên tới 5 - 10 tỷ USD. “Điều kiện để thu hút dòng vốn này là các doanh nghiệp niêm yết phải đáp ứng chuẩn công bố thông tin, thực hành ESG, đồng thời chính sách thuế cần khuyến khích đầu tư dài hạn như các quốc gia có hoạt động đầu tư đột phá”, ông Dũng nêu.

Từ nền tảng đã được xây dựng, khát vọng bứt phá hiện nay là đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên một tầm cao mới. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi không chỉ là niềm tự hào về vị thế, mà còn mở ra cánh cửa thu hút dòng vốn trung và dài hạn. Ông Bùi Hoàng Hải cho biết, các tiêu chí cứng để nâng hạng cơ bản đã được đáp ứng, trong khi các tiêu chí mềm như mức độ thuận lợi trong giao dịch và trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài cũng đang được cải thiện.

Tuy nhiên, nâng hạng không phải đích đến cuối cùng. Mục tiêu dài hạn hơn, theo ông Hải, là xây dựng một thị trường minh bạch, vận hành hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn và nhà đầu tư có thể yên tâm tìm kiếm lợi nhuận bền vững.

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Chí Cường

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Chí Cường

Cùng quan điểm này, bà Trần Anh Đào nhấn mạnh lộ trình nâng cấp thị trường cần đồng bộ từ cải tiến thủ tục niêm yết, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn đến việc đa dạng hóa sản phẩm quỹ phục vụ từng nhóm nhà đầu tư.

Ở góc nhìn chiến lược, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Dragon Capital cho rằng, nâng hạng chỉ là bước đi tất yếu trong mục tiêu lớn hơn, đến năm 2030, quy mô thị trường chứng khoán phải đạt 120% GDP, trở thành kênh dẫn vốn chủ lực để hiện thực hóa tham vọng tăng trưởng kinh tế hai con số. Để đạt được điều đó, Việt Nam cần dịch chuyển mạnh cơ cấu nhà đầu tư, khuyến khích đầu tư dài hạn, đồng thời nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết để hấp dẫn các quỹ toàn cầu.

Sau 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có gần 10 triệu tài khoản giao dịch, hàng trăm doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa đạt 60-75% GDP, riêng HOSE ghi nhận 390 doanh nghiệp niêm yết, tổng vốn hóa hơn 3 triệu tỷ đồng. Tuần giao dịch gần nhất, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á, vượt cả Thái Lan, một thành tựu đáng tự hào khi so sánh với các thị trường lâu đời trong khu vực.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khoi-thong-von-noi-don-ngoai-luc-thi-truong-chung-khoan-viet-da-du-hap-dan-411917.html