Quyết liệt hành động vì sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Không để chính sách 'nằm trên giấy', HĐND tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương của Trung ương bằng nghị quyết phân bổ nguồn lực cụ thể, rõ ràng, hướng đến từng xã, từng phường. Đây là minh chứng cho nỗ lực rút ngắn khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Phân bổ nguồn vốn kịp thời giúp phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Võ Trang)
Phân bổ hợp lý, bảo đảm hiệu quả nguồn lực
Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Lâm Đồng thông qua nghị quyết phân bổ hơn 292 tỷ đồng để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025. Đây được xem là bước đi kịp thời và thiết thực, mở ra nhiều cơ hội mới về hạ tầng, sinh kế và an sinh xã hội cho hàng chục nghìn hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã thông qua nghị quyết phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước và quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện ở khu vực đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Theo nghị quyết được HĐND tỉnh Lâm Đồng thông qua, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2025 trên địa bàn tỉnh là trên 292 tỷ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương chiếm hơn 254 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách địa phương với hơn 38 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số vốn này, tỉnh Bình Thuận trước khi sáp nhập đã phân bổ gần 55 tỷ đồng nên số vốn còn lại được tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phân bổ hơn 237 tỷ đồng, bảo đảm không gián đoạn dòng chảy đầu tư và đúng theo định hướng của Chính phủ tại Quyết định số 778/QĐ-TTg ngày 16/4/2025 và Quyết định số 1148/QĐ-TTg ngày 13/6/2025.
Việc phân bổ được thực hiện linh hoạt và phù hợp với từng cấp độ quản lý. Cụ thể, cấp tỉnh được phân bổ gần 84 tỷ đồng, cấp xã được phân bổ trên 153 tỷ đồng. Điều này, bảo đảm tạo điều kiện để các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai các nội dung, tiểu dự án và dự án thành phần thuộc chương trình.
Một trong những điểm nổi bật của nghị quyết là quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn vốn. Theo đó, việc phân bổ được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ áp dụng; đồng thời, góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đúng với tinh thần cải cách hành chính và quản lý tài chính công hiện đại. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí vốn đối ứng tối thiểu 15% trên tổng ngân sách Trung ương hỗ trợ, khẳng định nỗ lực của địa phương trong việc đồng hành cùng chương trình, không chỉ trông chờ vào ngân sách cấp trên mà chủ động huy động nguồn lực nội tại.
Ngoài ra, việc tiếp nhận và phân bổ ngân sách nhà nước của các tỉnh trước khi sáp nhập như: Đắk Nông, Bình Thuận được tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận, triển khai linh hoạt, bảo đảm duy trì nguyên vẹn định hướng đầu tư ban đầu, không gây xáo trộn về mặt quản lý và thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

Du lịch canh nông, nhất là vùng DTTS cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để tạo nguồn thu
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững vùng DTTS
Việc HĐND tỉnh Lâm Đồng kịp thời ban hành nghị quyết không chỉ mang tính chất tài chính - ngân sách, bảo đảm nguồn vốn của chương trình sớm được triển khai, thông suốt, mà còn phản ánh quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc chăm lo đời sống đồng bào DTTS - một bộ phận không thể tách rời trong tiến trình phát triển của địa phương và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chương trình được xây dựng nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, tạo cơ hội để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS tiếp cận dịch vụ công, hạ tầng kỹ thuật và nguồn lực phát triển kinh tế. Việc ưu tiên hoàn thành các dự án chuyển tiếp, tiểu dự án quan trọng được tỉnh Lâm Đồng triển khai đúng đắn, từ đó giúp duy trì tính liên tục, bền vững của chương trình.
Mặt khác, HĐND tỉnh yêu cầu, các xã, phường, đặc khu phải xây dựng phương án phân bổ vốn, xác định rõ nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể, gửi về các sở, ngành liên quan để tổng hợp và điều phối thống nhất. Đây là bước đi cần thiết nhằm tránh dàn trải, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu như: hạ tầng giao thông nông thôn, y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người dân.
Để đồng bộ hóa hệ thống pháp lý và bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả khi triển khai thực hiện, nghị quyết của HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng đã bãi bỏ một loạt các nghị quyết cũ không còn phù hợp, bao gồm các nghị quyết của HĐND tỉnh Lâm Đồng ban hành từ năm 2022 - 2023 và các nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Nông và Bình Thuận trước khi sáp nhập. Đây là bước đi hợp lý, phù hợp với nguyên tắc “một nghị quyết, một khuôn khổ quản lý thống nhất”, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát sau này.