Không chỉ Việt Nam, cư dân châu Á chưa kịp giàu đã già
Tốc độ già hóa nhanh chóng tại châu Á đang biến khu vực này từ nơi cung cấp lực lượng lao động lớn nhất thế giới thành nơi rút đi hàng triệu người lao động, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo đánh giá tại báo cáo thường niên khu vực châu Á của IMF, tiến trình đảo ngược của “lợi tức dân số” này sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng, khu vực vốn đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tốc độ tăng trưởng dân số khu vực châu Á sẽ rơi xuống mức 0% cho tới năm 2050, hiện đã ở mức âm tại Nhật Bản, và tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động hiện cũng đã đạt đỉnh. Điều này có nghĩa tỷ trọng dân số trên 65 tuổi sẽ tăng gấp 2,5 lần mức hiện tại cho tới năm 2050 và thậm chí còn cao hơn tại phía Đông châu Á.
“Tốc độ già hóa tại châu Á nhanh hơn hẳn nếu so với các khu vực từng xảy ra diễn biến tương tự là châu Âu và Mỹ, trong khi mức thu nhập trên đầu người tại đây vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức mà các nền kinh tế phát triển đạt được trong quá khứ”, IMF cho biết.
Báo cáo đánh giá, các quốc gia châu Á có ít thời gian hơn để thiết lập và áp dụng các chính sách thích nghi với sự thay đổi này so với các nền kinh tế phát triển. Như vậy, phần lần châu Á đang đối diện với rủi ro trở nên già cả trước khi giàu có.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc châu Á có thể sẽ rơi vào chu kỳ tăng trưởng trì trệ bởi dân số già đi dẫn tới gia tăng tiết kiệm, hạn chế đầu tư, khiến các chính sách tiền tệ không phát huy được tác dụng.
“Lẽ ra người Việt đã phải đạt thu nhập bình quân 10.000 USD“
“Thích nghi với quá trình giá hóa có thể là thử thách đặc biệt khó khăn đối với châu Á, khi dân số hiện vẫn đang sống ở mức thu nhập trên đầu người thấp, trong khi một số địa điểm có tốc độ già hóa rất nhanh”, IMF cho biết.
Để đối mặt với thách thức này, châu Á cần có cải cách về luật lao động, chương trình nghỉ hưu và hệ thống bảo đảm an sinh xã hội. Chưa kể, vấn đề nhập cư cũng là một yếu tố bắt đầu được để tâm hơn.