Không chủ quan trong phòng, chống bệnh nhiệt thán

Năm 2023, tại một số xã trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã từng xuất hiện bệnh nhiệt thán (còn gọi bệnh than) từ gia súc lây sang người, tuy nhiên đến nay người dân vẫn chủ quan, không khai báo khi trâu, bò chết bất thường và để bùng phát dịch. Trong khi nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh than trên đàn gia súc là rất cao, đặc biệt khả năng lây sang người.

Người dân chủ quan

Tháng 5/2023, trên địa bàn bản Pàng Dề A, bản Phiêng Quảng (xã Xá Nhè) và bản Háng Trở 1 (xã Mường Báng) huyện Tủa Chùa xuất hiện 3 ổ dịch bệnh than, làm 13 người mắc bệnh. Đến năm 2024, tại xã Xá Nhè và Tủa Thàng tiếp tục xuất hiện 2 ổ dịch bệnh than, làm 3 người mắc bệnh. Tất cả các trường hợp mắc bệnh than từ năm 2023 đến nay đều có tiền sử dịch tễ liên quan đến việc tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt trâu, bò bị ốm chết.

Người dân Tủa Chùa bị mắc bệnh than lây từ trâu, bò bị bệnh.

Người dân Tủa Chùa bị mắc bệnh than lây từ trâu, bò bị bệnh.

Ông Sùng A Phếnh, thôn Pàng Dề B, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) là một trong những bệnh nhân bị mắc bệnh than thể da, do liên quan đến ăn thịt bò chết. Theo ông Phếnh, ngày 14/6/2024, ông cùng 11 người tham gia giết mổ, chế biến và ăn thịt bò ốm chết tại nhà ông Vàng A Tùng (cùng thôn). Đến ngày 18/6, trên người ông xuất hiện 2 nốt mụn đỏ tại vùng cẳng tay trái, sau đó lở loét lan rộng ra với đường kính 2cm, lòng trong có tâm đen. Thấy dấu hiệu ngày càng đau nhức, vết lở loét ngày càng lan rộng, ông Phếnh đã đến Phòng khám Đa khoa khu vực Xá Nhè điều trị và được lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán mắc bệnh than.

Mặc dù tại các xã Xá Nhè, Mường Báng, Tủa Thàng của huyện Tủa Chùa trước đây đều đã từng xuất hiện ổ dịch than. Tuy nhiên, do trâu, bò là tài sản lớn đối với người dân, vì vậy khi gia súc bị bệnh, ốm chết, người dân thường không khai báo cho chính quyền và cơ quan thú y địa phương mà tự ý giết mổ, ăn thịt và bán. Điều này đã dẫn tới lây bệnh cho những người trực tiếp giết mổ, ăn thịt gia súc mắc bệnh than. Chỉ đến khi cơ quan chức năng phát hiện thì người dân mới khai báo, tuy nhiên lúc đó đã bùng phát dịch.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh than.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh than.

Trường hợp ông Quàng Văn Tọ, thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng sau khi mắc bệnh than mới khai báo cơ quan chức năng. Cụ thể, ngày 28/6/2024, con trâu của gia đình ông ốm và chết, sau đó ông Tọ cùng 3 người trong thôn đã mổ để ăn, chia và bán cho một số hộ dân trong và ngoài xã. Hai ngày sau, ông Tọ thấy trong người sốt, sưng đỏ, đau tại ngón tay cái của bàn tay phải, kèm theo ở giữa có nốt phỏng nước. Thấy vết sưng ngày càng đau, đến ngày 4/7 ông Tọ đã đến Trung tâm Y tế huyện khám, điều trị và được lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán viêm da nhiễm trùng (theo dõi bệnh than).

Ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế), bệnh than là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Bacillus anthrasis gây ra trên các loại động vật máu nóng (như trâu, bò, ngựa, dê… bị bệnh). Bệnh xâm nhập vào cơ thể người thông qua các đường tiếp xúc như: Nhiễm qua da, nhiễm qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và có khả năng gây tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời, nhất là trên thể hô hấp và tiêu hóa.

Người dân huyện Tủa Chùa tiêm phòng vắc xin nhiệt thán cho đàn trâu.

Người dân huyện Tủa Chùa tiêm phòng vắc xin nhiệt thán cho đàn trâu.

Theo ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, sau khi phát hiện ổ dịch, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc xử lý, tiêu hủy gia súc mắc bệnh. Đồng thời, lập danh sách người tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng nghi mắc bệnh than; tổ chức phun, xử lý môi trường tại hộ gia đình có trâu ốm, chết và gia đình có người tham gia giết, mổ. Tuyên truyền để người dân biết mức độ nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng, chống bệnh than. Rà soát số lượng trâu, bò chưa tiêm phòng vắc xin nhiệt thán, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động tiêm phòng. Đến nay, toàn huyện đã tiêm phòng hơn 10.695 liều vắc xin cho đàn gia súc trên địa bàn.

Mặc dù các ổ dịch đã được kiểm soát, khống chế, song nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân, do trâu, bò ốm chết sau khi mổ, ăn thịt đã làm phát tán mầm bệnh. Mặt khác, vi khuẩn gây bệnh than có khả năng tồn tại nhiều năm ngoài môi trường.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa tuyên truyền người dân xã Mường Báng phòng, chống dịch bệnh than.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa tuyên truyền người dân xã Mường Báng phòng, chống dịch bệnh than.

Ngày 20/8, UBND huyện Tủa Chùa ban hành văn bản yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền các xã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh than theo đúng quy định. Tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là các ổ dịch cũ trên địa bàn xã Xá Nhè và Tủa Thàng nhằm phát hiện sớm để xử lý kịp thời ca mắc bệnh. Kiểm tra các hố tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh nhiệt thán từ năm 2023 đến nay để kịp thời xử lý đảm bảo an toàn nếu bị sụt, lún; đặt biển cảnh báo để người dân không chăn thả trâu, bò ở khu vực đó.

Để ngăn chặn dịch bệnh than hiệu quả, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì rất cần sự vào cuộc, phối hợp của người dân. Khi phát hiện gia súc ốm, chết, người dân không nên thịt ăn, bán mà phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y. Khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc xác súc vật bị ốm chết không rõ nguyên nhân người dân nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc. Đặc biệt, khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/217905/khong-chu-quan-trong-phong-chong-benh-nhiet-than