Không chủ quan với bệnh ho gà
Phóng viên: Thưa bác sĩ, xin bác sĩ cho biết bệnh ho gà là gì? Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận bao nhiêu ca mắc bệnh?
Bác sĩ Phùng Thị Phương Ngọc: Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do trực khuẩn Bordetella pertussis gây nên, lây theo đường hô hấp. Biểu hiện trên lâm sàng là những cơn ho kịch phát và có nhiều biến chứng. Ho gà là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Từ tháng 6 năm 2024 đến nay, khoa Bệnh nhiệt đới ghi nhận 12 ca dương tính với ho gà.
Phóng viên: Xin bác sĩ nói rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh ho gà; đường lây truyền và các dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh?
Bác sĩ Phùng Thị Phương Ngọc:
Về mức độ nguy hiểm: Nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời, trẻ có thể gặp các biến chứng như: Biến chứng hô hấp: Viêm phế quản; Viêm phế quản phổi do bội nhiễm vi khuẩn; Giãn phế quản.
Biến chứng thần kinh: Viêm não là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Triệu chứng là trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật. Nếu được điều trị kịp thời vẫn có thể để lại di chứng như liệt nửa người, liệt một chi, liệt dây thần kinh sọ não, hoặc rối loạn tâm thần...
Biến chứng cơ học: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng, xuất huyết võng mạc và kết mạc mắt. Trường hợp nặng có thể gặp tràn khí trung thất, dưới da, màng phổi có liên quan với các cơn ho nặng. Biến chứng khác: Rối loạn nước điện giải, bội nhiễm vi khuẩn khác, suy dinh dưỡng do ăn không đủ và nôn nhiều.
Đường lây truyền: Bệnh lây theo đường hô hấp, do vi khuẩn có trong những hạt nước bọt bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi ho, hoặc khi hắt hơi.
Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết:
Thời kỳ khởi phát: Trẻ có thể sốt nhẹ, hoặc có thể không sốt. Xuất hiện các triệu chứng viêm long đường hô hấp: Ho khan, hắt hơi nhiều, chảy nước mắt, nước mũi và đau họng. Các biểu hiện này tăng dần và có xu hướng hình thành ho cơn.
Thời kỳ toàn phát: Xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, cả ngày và đêm, thường ho nhiều về đêm.
Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Cơn ho, tiếng thở rít, khạc dãi trắng dính.
Trong cơn ho, lưỡi bị đẩy ra ngoài, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở, về sau tiếng ho yếu dần, trẻ thở yếu và tím tái. Đối với trẻ còn bú, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng, cơn ho thường không điển hình. Sau một vài cơn ho ngắn sẽ không thấy tiếng ho, chủ yếu là các cơn tím tái, ngưng thở xuất hiện liên tục, lồng ngực không di động, hoặc có các cơn duỗi cứng do ngạt, thiếu oxy não.
Phóng viên: Vậy bệnh ho gà có chữa khỏi được hay không và điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Phùng Thị Phương Ngọc: Nếu trẻ được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh ho gà có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Cách điều trị:
Cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, ít ánh sáng, thoải mái, tránh các yếu tố nguy cơ như khói thuốc lá, bụi, tiếng ồn, tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Điều trị kháng sinh: Vi khuẩn B.parapertussis vẫn nhạy cảm với các macrolide, các quinolone, các cephalosporin thế hệ ba và meropenem. Gần đây đã thấy có tình trạng vi khuẩn kháng macrolid trên lâm sàng với bằng chứng là vẫn tìm thấy vi khuẩn trong dịch họng mặc dù đã được dùng kháng sinh nhóm macrolid nên cần đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn và kê đơn, không nên tự ý dùng thuốc tại nhà.
Theo dõi chặt chẽ, đánh giá mức độ nặng của bệnh, phát hiện sớm cơn ngừng thở, co giật, các biến chứng khác.
Phóng viên: Ngành y tế đã có những hướng dẫn, khuyến cáo như thế nào để phòng, chống bệnh ho gà một cách hiệu quả?
Bác sĩ Phùng Thị Phương Ngọc: Để phòng bệnh cho tập thể, cần phải cách ly những trẻ bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần. Những trẻ tiếp xúc nên được tiêm Gamma globulin đặc hiệu 0,3 ml/kg/lần, tiêm 2 lần cách nhau 48-72 giờ có tác dụng bảo vệ chống ho gà đạt 60% (theo Combe và Fauchier), đặc biệt chú ý ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng. Ngoài ra, có thể dùng Azithromyxin để phòng bệnh ho gà cho những trẻ em tiếp xúc với người bệnh.
Vắc xin ho gà góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Ở Việt Nam, vắc xin ho gà nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Hiện nay, thường dùng vắc xin kết hợp ho gà, bạch hầu, uốn ván (DTaP). Trẻ em tiêm vắc xin vào 3 thời điểm: 2- 3 - 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại khi 18 tháng tuổi và phải hoàn thành trước khi trẻ đạt 2 tuổi.
Lứa tuổi tiền học đường: Nên tiêm nhắc lại DTaP cho trẻ ở lứa tuổi 4 - 7 tuổi.
Phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ: Tiêm nhắc 1 lần Tdap lúc 12 - 13 tuổi.
Phụ nữ mang thai: Có thể tiêm vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà (Tdap) cho bà bầu được khuyến cáo khi mang thai vào khoảng tuần 27-36, giúp bảo vệ em bé chống lại tác nhân gây bệnh ho gà ngay từ khi sinh.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/khong-chu-quan-voi-benh-ho-ga-215304.htm