Không chủ quan với cúm mùa
Thời tiết miền Bắc đang giá lạnh, chuyển nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng số ca mắc cúm mùa (cúm A). Đáng chú ý, nhiều người mắc cúm A nhập viện trong tình trạng nặng và rất nặng, phải thở máy.
Bệnh cúm gia tăng cục bộ
Theo thông tin từ Bộ Y tế, mặc dù số ca mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 ca mắc cúm, không có ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc giảm 97,4%. Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu vẫn là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Còn trong ăm 2024, cả nước ghi nhận 289.876 ca mắc cúm mùa, 8 ca tử vong, trong đó, 4 ca tử vong do cúm A/H1N1 tại Bình Định.
Tuy nhiên, hiện tại, một số bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội đang tiếp nhận nhiều ca cúm A nặng, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền và hệ miễn dịch yếu. Điển hình, tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị 13 bệnh nhân cúm, một trong số đó phải can thiệp ECMO. Bệnh nhân L.V.T. 58 tuổi (Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng khó thở do điều trị cúm tại nhà kéo dài. Tình trạng bệnh sau đó chuyển biến thành sốc nhiễm khuẩn, tổn thương phổi lan rộng tới 90% và phải can thiệp ECMO.
Một trường hợp khác là bệnh nhân V.V.U, 62 tuổi (Quảng Ninh) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) kém kiểm soát, được đặt nội khí quản sau khi suy hô hấp không cải thiện. Bác sĩ Võ Đức Linh - Trung tâm Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư thông tin, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh COPD. Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh.
Tương tự, BV Nhi T.Ư và BV Đại học Y Hà Nội cũng ghi nhận số ca mắc cúm gia tăng, với trung bình 10 bệnh nhân cúm A đến khám mỗi tuần, gấp 6 lần so với tháng 12/2024. PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho hay, thời gian gần đây, đơn vị tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm mùa nhập viện với các biến chứng nặng, hay xảy ra trên các bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, nội tiết, người đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch...
Hiện không ít người dân khi mắc cúm đã tự ý mua thuốc Tamiflu về uống, tuy nhiên, thuốc này thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng. Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng Tamiflu khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc người dân tự mua thuốc về uống khi mắc cúm là không cần thiết và dễ gây ra hiện tượng kháng thuốc.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho nhiều bệnh nhân cúm có dấu hiệu trở nặng, trong đó, đa phần là người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu và một số trường hợp là phụ nữ mang thai. Trong năm 2024 và tính đến thời điểm hiện nay, đơn vị đã điều trị cho hàng nghìn ca bệnh cúm mùa, trong đó nhiều trường hợp nặng, phải thở máy.
Đơn cử, nam bệnh nhân T.V.L, 78 tuổi (Từ Liêm, Hà Nội) được chuyển từ BV gần nhà đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, khó thở mỗi lúc một tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, bệnh Alzheimer, test dương tính cúm A. Trước tình trạng bệnh nhân bị suy hô hấp, bác sĩ đã phải cho mở nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và điều trị tích cực.
Tại Hệ thống y tế Medlatec cũng đã ghi nhận 3 chị em trong một gia đình ở Hà Nội nhiễm cúm A, trong đó 2 trẻ có diễn biến nặng với biến chứng viêm phổi, phải nhập viện để điều trị tích cực.
Tránh biến chứng nguy hiểm
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong năm 2024, TP ghi nhận 7.133 ca mắc. Tháng 1/2025, có hơn 800 ca mắc cúm, không có ca bệnh tử vong. CDC Hà Nội nhận định, TP hiện chưa ghi nhận sự gia tăng bất thường số ca mắc và tử vong do bệnh cúm mùa.
Trước tình hình bệnh cúm mùa có xu hướng gia tăng gần đây, Hà Nội đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp sốt, nghi nhiễm cúm. Mặt khác, giám sát chặt các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm ca mắc, kịp thời cấp cứu, điều trị, hạn chế mức thấp nhất số ca mắc và tử vong.
Để chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, Sở Y tế thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai nêu rõ, bệnh cúm mùa thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp. Đối với trẻ em, người lớn tuổi hay những người mắc bệnh tim, phổi, thận mạn tính, mắc bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ gây biến chứng viêm phổi, bội nhiễm các vi khuẩn, viêm cơ tim, suy hô hấp nặng, suy đa tạng có thể phải thở máy, lọc máu, nguy cơ tử vong cao.
“Cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra các biến chứng nặng…” - TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo.
Còn TS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi T.Ư lưu ý, nhóm tuổi mắc bệnh cúm hiện nay là trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ em dưới 3 tuổi. Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, hoặc trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… khi mắc cúm mùa có thể diễn biến nặng. Do đó, cha mẹ cần nhận biết sớm các triệu chứng của cúm mùa để chủ động xử trí và đưa trẻ đến BV khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Để chủ phòng cúm mùa, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân bảo đảm vệ sinh cá nhân, sử dụng khẩu trang thường xuyên, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
Người dân nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Tiêm vaccine cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả.
Để phòng bệnh cúm mùa hiệu quả, người dân nên tiêm vaccine cúm hàng năm, thời điểm tiêm phù hợp nhất là vào khoảng tháng 9, 10. Còn với những người có các bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch, thậm chí một năm có thể tùy theo tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ ở phòng tiêm có thể khuyến cáo tiêm dày hơn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-chu-quan-voi-cum-mua-816982.html