Không đẩy nhanh cải cách, đầu tư hoàn toàn có thể tìm đến nước khác
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh cần đẩy mạnh phân cấp, bỏ xin - cho, khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm. Nếu chúng ta không đẩy nhanh các cải cách, nhà đầu tư hoàn toàn có thể sẽ tìm đến nước khác để đầu tư.
Tại thảo luận tổ của Quốc hội sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I vừa qua, mặc dù Việt Nam không đạt được một số chỉ tiêu, nhưng cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
"Chúng ta không quá lạc quan, nhưng lắng nghe để tham khảo, không chủ quan nhưng cũng không quá bi quan", ông nói.
Mới đây nhất, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao nhất cho đến năm 2029. Tuy vậy, Bộ trưởng Dũng nhìn nhận, không tô hồng kết quả nhưng cũng không nên bi quan, nên tập trung vào những nhiệm vụ giải pháp nào đến cuối năm.
Theo người đứng đầu Ngành KH&ĐT, một số hạn chế của nền kinh tế như doanh nghiệp còn còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi như kỳ vọng, thị trường vàng có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng giá máy bay tăng cao gây ảnh hưởng đến thị trường du lịch...
Trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng cần tập trung đẩy mạnh 3 động lực: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cũng như đẩy mạnh các động lực mới: Chuyển đổi nền kinh tế, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
"Chúng ta cũng phải tập trung vào các ngành công nghiệp mới mà ta có điều kiện tham gia sâu hơn, ví dụ như chip bán dẫn", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Đáng chú ý, về vấn đề thể chế, Bộ trưởng Dũng cho biết cần phải cải cách thêm nữa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư mạnh hơn.
"Phải xem xét thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực thế nào, môi trường đầu tư kinh doanh thế nào, các thủ tục đầu tư xây dựng thế nào… Chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp, bỏ xin - cho, khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm. Nếu chúng ta không đẩy nhanh các cải cách, thì đầu tư hoàn toàn có thể sẽ tìm đến nước khác để đầu tư", ông đề nghị.
Liên quan tới vấn đề thể chế, Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cũng cho rằng thời gian qua thấy rõ tinh thần Chính phủ hành động và quyết liệt, đóng góp các lĩnh vực, đặc biệt trong ba khâu đột phá là thể chế, nhân lực, hạ tầng (hạ tầng giao thông). Tuy nhiên điều đáng lo ngại là tình trạng một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt, kịp thời, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, mặc dù đây là trách nhiệm phải thực hiện, là nghĩa vụ của cán bộ công chức.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy.
“Có những việc trước đây vẫn quyết mà bây giờ không dám quyết, có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, theo ông Thanh.