Không để 'hạt mẩy văng ra' trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Tinh giản bộ máy nhưng giữ lại được người giỏi trong bộ máy không chỉ là khẩu hiệu mà đó chính là thước đo năng lực quản trị, điều hành. Trong bối sắp xếp địa giới hành chính diễn ra trên diện rộng, Đắk Lắk đã có bước đi đáng chú ý: Không giải quyết nghỉ hưu sớm, thôi việc đối với cán bộ có năng lực nổi trội.

Đắk Lắk đã có những bước đi chủ động linh hoạt nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương tinh giản bộ máy.
Ngày 20/5, ông Nguyễn Thiên Văn - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết, tỉnh đã có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc sắp xếp bộ máy theo Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ. Theo đó, tỉnh sẽ không giải quyết nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc đối với cán bộ có năng lực nổi trội.
Sắp xếp bộ máy là việc cần thiết nhưng nếu làm cứng nhắc, sẽ rất khó để đạt được hiệu quả tối ưu. Trong câu chuyện tinh giản biên chế trước đây đã có một sự so sánh ví von: Đôi lúc việc tinh giản có thể giống như... đập lúa, "hạt lép bám trụ, hạt mẩy văng ra". Từ thực tế hơn 1.000 cán bộ công chức ở Đắk Lắk đã xin nghỉ việc, trong đó phần lớn là nghỉ hưu trước tuổi, câu hỏi đặt ra là: Có phải ai ra đi cũng nên cho nghỉ? Hay còn những người đáng giữ lại để hoạt động trong bộ máy công quyền cho giai đoạn mới?
Đó là lý do việc Đắk Lắk chủ động ban hành tiêu chí đánh giá cán bộ, xếp loại rõ ràng và sử dụng làm căn cứ để quyết định giữ người giỏi là một cách làm có lý và có tình.
Hơn bất cứ lĩnh vực nào, khi thực thi chính sách cần "cái đầu lạnh" nhưng cũng cần có "trái tim nóng". Khi áp dụng một chính sách như sắp xếp, tinh giản biên chế, nếu thiếu cơ chế sàng lọc, rất dễ xảy ra hiện tượng chảy máu chất xám. Người tâm huyết, năng lực nổi trội nhưng rơi vào thế bị động trước thay đổi bộ máy, mất động lực, hoặc thậm chí bị đẩy ra ngoài hệ thống vì thiếu tiêu chí cụ thể.
Thực tế Đắk Lắk đã chứng minh: với một bộ tiêu chí rõ ràng, được xây dựng theo 3 nhóm: phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và hiệu quả công việc, việc sàng lọc trở nên công bằng, minh bạch hơn. Quan trọng hơn, tỉnh không chỉ ban hành bộ tiêu chí mà còn có bước tự đánh giá, nhận xét và thẩm định, hạn chế tối đa cảm tính, nể nang hay tác động chủ quan.
Tổ chức lại nhưng phải mạnh hơn
Tinh giản không phải chỉ để "đỡ lương" mà mục tiêu quan trọng nhất là để nâng chất lượng. Sắp xếp bộ máy không phải để tiết kiệm giấy tờ hành chính, mà là để làm mới năng lực phục vụ người dân và doanh nghiệp. Muốn vậy, không chỉ giữ lại người tài, mà còn phải tạo động lực và niềm tin cho những người ở lại rằng hệ thống trân trọng giá trị của họ.
Chỉ đạo của tỉnh Đắk Lắk: không cho nghỉ việc với người có năng lực nổi trội không chỉ là giữ người, mà còn là giữ tinh thần của sắp xếp, tinh gọn bộ máy là hướng tới hiệu lực, hiệu quả.

Tổ chức lại để mạnh hơn, không phải chỉ gọn hơn. Ảnh minh họa
Trong bối cảnh chung, cách làm của Đắk Lắk đáng để nhân rộng: xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, đánh giá khách quan, phân loại công tâm và đặt lợi ích tổ chức đi cùng với quyền lợi chính đáng của cá nhân. Nếu cải cách mà không biết giữ người giỏi, cải cách ấy sẽ tự làm suy yếu chính mình.
Tinh giản là cơ hội, không phải cắt giảm theo kiểu cơ học. Khi mỗi đợt sắp xếp được coi là cơ hội làm mới tư duy tổ chức, thì việc giữ người tài là bước đi quan trọng và cần thiết để đảm bảo chính sách không trở thành công cụ vô cảm.
Giữ được người giỏi trong cải cách không dễ nhưng chính sự khó ấy mới là thước đo năng lực quản trị. Đắk Lắk đã bước đầu thể hiện sự chủ động, linh hoạt và dám chịu trách nhiệm. Chính điều đó sẽ là tiền đề để tỉnh không chỉ tinh giản mà còn phát triển - với một bộ máy gọn hơn nhưng mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Bản thân chủ trương tinh giản bộ máy là một cuộc cách mạng nhưng chính trong cuộc cách mạng ấy lại cần nhiều hơn nữa những đột phá như Đắk Lắk: linh hoạt, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm với một mục tiêu cao nhất làm sao để chính sách thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả tối ưu.