Không để 'khoảng trống pháp lý' làm chậm quá trình triển khai
Tại buổi họp báo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây thông tin về 5 luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định: Bộ sẽ ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn cùng thời điểm có hiệu lực của luật, không để 'khoảng trống pháp lý' làm chậm quá trình triển khai.
Cơ chế tài chính đổi mới, tăng tính chủ động, minh bạch
Chỉ sau 4 tháng kể từ khi Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua 5 luật có tính nền tảng, tạo dựng hành lang pháp lý quan trọng dẫn dắt sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn mới của đất nước. Bao gồm: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hải Dương
Việc Quốc hội thông qua 5 luật này là bước cụ thể hóa các định hướng lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm hoàn thiện thể chế, tháo gỡ "điểm nghẽn", mở rộng không gian phát triển mới dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các đạo luật cũng đóng vai trò quan trọng trong thống nhất quản lý nhà nước, nhất là trong bối cảnh hệ thống chính quyền hai cấp đang chính thức vận hành.
Một trong những đổi mới căn bản được Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh là chuyển đổi toàn diện cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Theo đó, các nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được khoán chi, giảm tối đa thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tất cả hoạt động tài chính sẽ được minh bạch hóa trên nền tảng số, cho phép giám sát công khai, đánh giá theo mức độ rủi ro và hiệu quả thực tế, thay vì quy trình hình thức như trước.
Cùng với đó, một loạt thủ tục sẽ được rút gọn, đơn giản hóa, mở rộng phân cấp, phân quyền và tăng quyền tự chủ cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp tham gia hoạt động khoa học, công nghệ. Song, việc hậu kiểm sẽ được siết chặt để bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
Thứ trưởng khẳng định: “Toàn bộ hệ sinh thái khoa học và công nghệ đang được thiết lập lại từ luật, thể chế, đến cơ chế tài chính và quản trị, với tinh thần thông thoáng, hiệu quả, nhanh chóng, chấp nhận rủi ro có kiểm soát và trao quyền tối đa cho tổ chức thực hiện. Đây là nền tảng để Nghị quyết 57 đi vào đời sống”.
Để các Luật mới sớm đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Bộ sẽ ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, bảo đảm tính kịp thời và không để “khoảng trống pháp lý” làm chậm quá trình triển khai.
Luật hóa truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Một điểm nhấn đáng chú ý tại buổi họp báo là những nội dung mới được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (có hiệu lực từ 1/1/2026), để ngăn chặn vấn đề hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia Hà Minh Hiệp thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: H. Dương
Theo Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia Hà Minh Hiệp, tư duy quản lý mới thể hiện ở việc chuyển từ kiểm tra hành chính sang quản lý theo mức độ rủi ro, từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu số. Các hàng hóa có rủi ro cao sẽ bắt buộc phải có đánh giá của bên thứ ba, không để doanh nghiệp tự công bố. Đây cũng là lần đầu tiên luật hóa quy định về truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa rủi ro cao, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc công bố sản phẩm, đặc biệt trên sàn thương mại điện tử. Các hành vi gian lận chất lượng, quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt trên môi trường số, đều bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm.
Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, ông Hà Minh Hiệp cho biết, điểm nhấn chính là việc luật hóa chiến lược tiêu chuẩn quốc gia, thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia và áp dụng nguyên tắc “một sản phẩm - một quy chuẩn” để chấm dứt tình trạng chồng chéo. Đặc biệt, việc thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá quốc tế sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận thị trường toàn cầu.
“Sắp tới, chúng ta sẽ xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Trên đó, bất kỳ thông tin nào liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn đều được công khai và dễ tra cứu”, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia cho biết.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định kỳ vọng, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí trong việc lan tỏa mạnh mẽ những nội dung cốt lõi của 5 đạo luật sẽ là đóng góp thiết thực, đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, góp phần tạo chuyển biến thực chất, xây dựng một nền khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo toàn diện và chuyển đổi số hiệu quả.