Khoảng 87.000 hộ kinh doanh chuyển sang kê khai thuế, tạo nền tảng bỏ thuế khoán từ năm 2026

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn công tác chuyển đổi số tiếp tục được ngành Thuế đẩy mạnh, dữ liệu hộ kinh doanh từng bước hoàn thiện. Việc 87 nghìn hộ kinh doanh chuyển sang kê khai là nền tảng quan trọng để xóa bỏ thuế khoán từ 1/1/2026.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng cuối năm 2025, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá, trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn và hiệu quả, ngành Thuế đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng. Kinh tế tăng trưởng ấn tượng, thu ngân sách tăng cao; trong đó, riêng ngành Thuế tiếp tục là điểm sáng đóng góp vào kết quả thu tích cực đó. Dù không trực tiếp làm chính sách, nhưng ngành vẫn chủ trì, phối hợp hiệu quả nhiều nội dung lớn, như sửa đổi Luật Quản lý thuế, triển khai các chính sách hỗ trợ thuế lên tới hơn 120 nghìn tỷ đồng.

Từ tháng 3/2025, toàn ngành Thuế đã vận hành mô hình 3 cấp và từ 1/7/2025, ngành Thuế đã thực hiện sắp xếp cơ cấu tổ chức mới của cơ quan thuế gồm 34 thuế tỉnh, thành phố; 350 thuế cơ sở để đồng bộ với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Qua 2 đợt sắp xếp, tổ chức bộ máy của cơ quan thuế đã giảm từ hơn 4.000 đầu mối xuống còn hơn 600 đầu mối.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn.

Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số tiếp tục được ngành Thuế đẩy mạnh, dữ liệu hộ kinh doanh từng bước hoàn thiện, đã có 87 nghìn hộ chuyển sang kê khai. Đây là nền tảng quan trọng để xóa bỏ thuế khoán từ 01/01/2026. Về công tác kiểm tra, dù có điều chỉnh chức năng, tuy nhiên công tác này vẫn đạt được kết quả tốt.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2025, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chỉ đạo ngành Thuế tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Tập trung thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng chính sách theo chương trình xây dựng văn bản pháp luật năm 2025 được phân công chủ trì cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính như: Xây dựng Luật Quản lý thuế (thay thế) và Nghị định hướng dẫn sau khi Luật được ban hành.

Cuối năm 2025 trình Luật Thuế TNCN, nghị định thuế TNDN; tích cực phối hợp với Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) để đóng góp ý kiến vào nội dung xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn.

Chủ động đánh giá khả năng thu ngân sách nhà nước năm 2025, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2026 và kế hoạch 5 năm 2026 - 2030, phù hợp theo địa bàn hành chính mới và chi tiết đến cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế theo mô hình mới là quản lý theo đối tượng, kết hợp quản lý theo chức năng. Tổ chức tốt công tác quản lý thuế đối với người nộp thuế, đặc biệt là trong công tác hỗ trợ người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế.

Tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị chuyển đổi từ hình thức thuế khoán sang cơ chế kê khai theo doanh thu thực tế kể từ ngày 1/1/2026. Đảm bảo tiến độ xóa bỏ thuế khoán đúng định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong quá trình chuyển đổi.

Đặc biệt, Cục Thuế tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ.

“Trong 6 tháng cuối năm, tôi đề nghị toàn ngành quyết tâm cao hơn nữa, với mục tiêu tăng thu tối thiểu 20%, kiểm soát nợ thuế dưới 8%. Đồng thời, phải gắn chặt với chính quyền địa phương trong quản lý hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, đảm bảo hiệu quả mô hình mới sau sáp nhập”, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khoang-87000-ho-kinh-doanh-chuyen-sang-ke-khai-thue-tao-nen-tang-bo-thue-khoan-tu-nam-2026-d59815.html