Không để người bệnh 'tiền mất, tật mang'!

Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, chiều 18-6, thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hoạt động quảng cáo thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng hiện nay không được kiểm soát chặt chẽ, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người dân.

Bày tỏ quan ngại, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đưa vào Luật nội dung về quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các loại thuốc trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử...

Thực tế, thuốc là mặt hàng thiết yếu, quan trọng, liên quan đến tính mạng, sức khỏe người bệnh. Trước tầm quan trọng đặc biệt của thuốc, Điều 32 Luật Dược năm 2016 quy định rõ, thuốc chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc của trạm y tế xã; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Về quảng cáo thuốc, Điều 79 Luật Dược năm 2016 quy định, quảng cáo thuốc thực hiện theo đúng nội dung đã được Bộ Y tế xác nhận và theo quy định của pháp luật về quảng cáo có liên quan. Thuốc được quảng cáo phải không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giấy đăng ký lưu hành thuốc phải còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam.

Rõ ràng theo quy định, không phải ai và qua hình thức nào cũng có thể bán và quảng cáo thuốc. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo và bán tràn lan trên các website, mạng xã hội. Đơn cử như thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, giảm buồn ngủ Ritalin, Modafinil, thuốc kháng sinh Ampicillin, Penicillin là nhóm thuốc phải kê đơn nhưng thực tế được bán tràn lan.

Đáng lo ngại là không ít đối tượng đã quảng cáo thổi phồng công dụng của nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng, coi nó như “thần dược” trị bách bệnh và đưa lên website, mạng xã hội nhằm lừa gạt người tiêu dùng.

Nhiều trường hợp còn mạo danh, mượn hình ảnh của bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế để tăng niềm tin cho người dùng. Việc làm sai trái này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, gây nguy hại tới sức khỏe, thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng.

Không ít trường hợp người dùng tin theo lời quảng cáo mua thuốc về sử dụng, song không có hiệu quả điều trị bệnh do mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Thậm chí, có trường hợp sau khi sử dụng những sản phẩm được quảng cáo đã phải nhập viện do dị ứng thuốc, ngộ độc thuốc, nguy hiểm tới tính mạng...

Sở dĩ quảng cáo thuốc diễn ra tràn lan, thậm chí bát nháo là do lợi nhuận lớn. Nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh không dễ dàng từ bỏ món lợi này, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các cơ quan chức năng.

Việc quảng cáo, bán các loại thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam, thậm chí là thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc hoặc được thổi phồng công dụng có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Vì vậy, phát biểu trong phiên làm việc tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược trong chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 18-6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã yêu cầu: “Phải có kiểm soát chặt chẽ, không để nội dung, hình thức quảng cáo làm sai lệch về bản chất của thuốc; không để người dân tiền mất, tật mang do sử dụng thuốc từ quảng cáo”.

Để người bệnh không bị "tiền mất, tật mang" do sử dụng thuốc từ quảng cáo, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; đồng thời, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các sai phạm. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tác hại của việc tự mua thuốc điều trị không theo chỉ định của bác sĩ; vận động người dân đến khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế và mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc...

Chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo và chỉ nên mua thuốc có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và cần có sự tư vấn của các bác sĩ. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có gian lận thương mại, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người tiêu dùng cần thông tin cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý kịp thời.

Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở 5 chính sách đã trình Quốc hội thông qua tại hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, trong đó có nhiều điểm mới.

Hy vọng khi Luật được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, giúp cho ngành Dược tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với giá cả hợp lý cho người dân. Qua đó, người tiêu dùng sẽ không còn bị "tiền mất, tật mang"...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-de-nguoi-benh-tien-mat-tat-mang-669953.html