Không để san hô Phú Yên giống Nha Trang
Gần đây, sự việc một số nhiếp ảnh gia, du khách giẫm lên rạn san hô ở Hòn Yến (Tuy An, Phú Yên) đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Tầm tháng 6-8, các nhiếp ảnh gia, du khách lại đổ về Phú Yên để chiêm ngưỡng, chụp hình san hô Hòn Yến. So với nhiều nơi khác, san hô Hòn Yến chỉ lộ ra lúc thủy triều rút.
Bức ảnh này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và trở thành chủ đề tranh cãi. Theo đó trong lúc săn ảnh, một người đã chụp được cảnh những nhiếp ảnh gia giẫm lên san hô để tác nghiệp.
Lên phương án bảo vệ
Sau khi thông tin giẫm đạp lên san hô được phản ánh, chính quyền huyện Tuy An cũng đã vào cuộc để kiểm tra tình trạng rạn san hô và lập phương án bảo vệ chúng.
Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, nhấn mạnh không thể để tình trạng tương tự như rạn san hô ở Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra. Sau khi trực tiếp đến danh thắng Hòn Yến kiểm tra, ông Hoàng xác nhận tình trạng rạn san hô ở đây vẫn tốt.
Theo đại diện huyện Tuy An, việc không thể ngắm san hô mọi lúc cũng là yếu tố giúp tình trạng ở Hòn Yến được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, đơn vị cũng đã tăng cường lực lượng công an, biên phòng, dân quân phối hợp với tổ cộng đồng của dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến nhằm tuyên truyền, vận động người dân, du khách nâng cao ý thức bảo vệ san hô ở danh thắng này.
Hiện nay, tại khu vực Hòn Yến, những biển báo hướng dẫn du khách bảo vệ san hô, cấm giẫm đạp cũng đã được dựng lên.
Về những tranh cãi gần đây, ông Hoàng nói các nhiếp ảnh gia, du khách cũng có lỗi. Những bức ảnh chụp lên cho thấy họ đã giẫm đạp lên san hô khi tác nghiệp, tham quan.
"San hô ở Hòn Yến rất đẹp. Nhiều người hiếu kỳ muốn chụp ảnh nhưng lại giẫm đạp trực tiếp lên san hô. Bà con nông dân ở khu vực đã hoạt động nhiều năm rồi. Họ cũng biết lối đi riêng để tránh giẫm đạp", ông nói.
Tuy nhiên, huyện cũng đang có kế hoạch tuyên truyền, điều chỉnh đối với người dân trong khu vực để bảo vệ rạn san hô tốt hơn. Trong thời gian tới, huyện có thể yêu cầu di dời các lồng bè nuôi thủy, hải sản cách xa Hòn Yến khoảng 200 m để thuận tiện cho công tác bảo tồn rạn san hô.
Trong sáng 23/6, UBND huyện Tuy An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cùng Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Phú Yên cũng đã có cuộc họp về vấn đề này. Phương án chính thức sẽ được đưa ra trong ngày 24/6.
Mong không cấm chụp ảnh san hô
Ngô Kim Đồng, hội viên Chi hội Nhiếp ảnh hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, chia sẻ đã nhiều lần chụp san hô ở Hòn Yến từ 2017.
So với các loài san hô ở nơi khác, anh nhận xét san hô Hòn Yến có sự khác biệt về hình hài và cấu tạo. Phần lớn san hô Hòn Yến là loại cứng và giòn (có hình thù như các bông hoa hoặc bắp cải, rất dễ bị gãy, vỡ).
Các nhiếp ảnh gia và du khách thường đến vào ngày thủy triều rút trong tháng để sáng tác ảnh, tham quan. Theo anh, những người chưa có kinh nghiệm dễ sơ ý đi trên các cụm đá của rạn san hô gần bờ, để lội nước ra ngắm cận cảnh san hô.
Ngoài ra, nhiếp ảnh gia này nhận xét thói quen, công việc hàng ngày của người dân nơi đây cũng ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái dưới nước. Họ mưu sinh dựa vào việc nuôi tôm hùm. Tàu thuyền ra vào cũng có thể tác động trực tiếp lên bề mặt rạn san hô.
Nhiều nhiếp ảnh gia, du khách thừa nhận nếu tỉnh Phú Yên cấm tham quan, chụp ảnh san hô Hòn Yến sẽ là điều thực sự đáng tiếc.
"Tôi không ủng hộ việc không giữ được thì cấm. Đó là tài nguyên du lịch để khai thác. Chúng ta phải tìm cách hiệu quả để vừa bảo vệ san hô, đồng thời thu hút khách du lịch. Tôi mong họ sẽ đưa ra một phương án tốt nhất cho cả hai", Hoàng Anh, du khách TP.HCM vừa du lịch Phú Yên hồi đầu tháng 6, chia sẻ quan điểm.
Lê Chí Trung, nhiếp ảnh gia sống tại Sông Cầu (Phú Yên), nói việc cấm tạm thời tham quan, chụp ảnh bãi san hô Hòn Yến để triển khai biện pháp khoa học là hợp lý. Tuy nhiên, nếu chỉ cấm các nhiếp ảnh gia vào chụp ảnh sẽ không phải ý tưởng hay vì có nhiều yếu tố tác động lên rạn san hô.
"Vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay, tại Phú Yên nói chung và Hòn Yến nói riêng có xảy ra đợt thiên tai bất thường làm hàng loạt lồng nuôi tôm hùm và tàu thuyền ở Hòn Yến bị đánh sập, trôi dạt vào bờ. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm san hô Hòn Yến bị hủy hoại", anh nói.
Nhiếp ảnh gia này cũng thẳng thắn chỉ trích những người trong nghề cố tình giẫm lên san hô để chụp ảnh thay vì chịu lội nước. Tuy nhiên, anh nói số lượng này không nhiều.
Trao đổi với Zing, Thanh Nhân, nhiếp ảnh gia địa phương, nói thêm những bức hình đẹp về san hô Hòn Yến cũng góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà. Nhất là khi Phú Yên nổi tiếng với du lịch biển.
"Sẽ rất đáng tiếc nếu các cơ quan chức năng cấm tham quan, chụp ảnh rạn san hô Hòn Yến. Tôi nghĩ mình và nhiều nhiếp ảnh gia khác cũng mong có những bức ảnh đẹp để quảng bá cho mọi người biết về san hô Hòn Yến", anh nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khong-de-san-ho-phu-yen-giong-nha-trang-post1329040.html