'Không để sữa giả tồn tại dưới vỏ bọc sản phẩm chất lượng cao'

Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là cơ sở xây dựng hệ sinh thái quản lý hiện đại, minh bạch, ngăn chặn triệt để tình trạng sữa giả và hàng hóa kém chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh tiêu dùng số ngày càng phổ biến.

Luật mới siết quản lý sữa giả, hàng giả bằng cơ chế truy xuất và đánh giá độc lập

Trước tình trạng sữa giả và thực phẩm chức năng giả tràn lan trên thị trường, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật vừa được Quốc hội thông qua đã đưa ra hàng loạt quy định mới nhằm siết chặt quản lý, tăng tính minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng.

Tại buổi họp báo chiều 7/7, ông Hà Minh Hiệp – Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia – cho biết: "Luật mới xác định rõ, các sản phẩm rủi ro cao như sữa, thực phẩm chức năng bắt buộc phải có đánh giá bởi bên thứ ba và thực hiện truy xuất nguồn gốc, không được để doanh nghiệp tự công bố chất lượng như trước."

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia.

Theo ông Hiệp, trước đây có những sản phẩm có nguy cơ rủi ro cao nhưng vẫn được doanh nghiệp tự công bố chất lượng, gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt trong lĩnh vực sữa giả, nhiều sản phẩm gắn mác "sữa nhập khẩu", "sữa tăng chiều cao" hoặc "sữa cho trẻ em" nhưng không rõ nguồn gốc, không được kiểm định, đã lọt lưới quản lý.

Luật mới đã thay đổi cách tiếp cận: phân loại hàng hóa theo mức độ rủi ro (cao, trung bình, thấp) và siết chặt quản lý nhóm rủi ro cao. Các sản phẩm thuộc nhóm này – điển hình là sữa – bắt buộc phải được đánh giá bởi tổ chức độc lập và truy xuất nguồn gốc đầy đủ. "Lần này chúng ta làm rất rõ: sản phẩm rủi ro cao phải được quản lý chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra," ông Hiệp nhấn mạnh.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, luật mới cũng quy định: mỗi sản phẩm, hàng hóa chỉ do một bộ, ngành chịu trách nhiệm. Điều này sẽ chấm dứt tình trạng nhiều bộ cùng quản lý một mặt hàng, gây khó khăn trong kiểm tra, giám sát – một nguyên nhân khiến hàng giả, sữa giả tồn tại suốt thời gian dài.

Luật mới tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đặc biệt với các sản phẩm tiêu dùng nhạy cảm như sữa. Doanh nghiệp bắt buộc phải công bố rõ thông tin chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chịu trách nhiệm thu hồi sản phẩm lỗi. Trên sàn thương mại điện tử, các đơn vị bán hàng không chỉ được đăng sản phẩm, mà còn phải cung cấp đầy đủ thông tin tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng kiểm tra.

Các hành vi như quảng cáo sai sự thật, bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả – đặc biệt trong lĩnh vực sữa – sẽ bị xử lý nghiêm. Luật bổ sung thêm các chế tài mạnh như thu hồi giấy phép, xử phạt hành chính nặng, truy cứu trách nhiệm hình sự, và công khai vi phạm trên nền tảng số quốc gia.

Luật cũng quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kết nối giữa các bộ, ngành, hải quan và các kênh phản ánh từ người tiêu dùng. Cơ chế này cho phép cảnh báo sớm các sản phẩm vi phạm, nhất là những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như sữa.

Ngoài ra, các tổ chức xã hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng sẽ được tham gia giám sát chất lượng, thử nghiệm sản phẩm, góp phần phát hiện, phản ánh và phối hợp kiểm tra hàng hóa trên thị trường.

Ông Hiệp khẳng định, việc thông qua hai luật này không chỉ lấp đầy khoảng trống pháp lý trong quản lý chất lượng sản phẩm, mà còn xây dựng hệ sinh thái quản lý hiện đại, minh bạch, ngăn chặn triệt để tình trạng sữa giả và hàng hóa kém chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh tiêu dùng số ngày càng phổ biến.

Nhân tài công nghệ số sẽ được ưu đãi đặc biệt

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, đây là một trong quy định nổi bật của Luật Công nghiệp Công nghệ số vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Luật quy định, nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ.

Trong đó, nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người nước ngoài sẽ được cấp thẻ tạm trú có thời hạn 5 năm và được gia hạn theo quy định pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi của nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú với thời hạn tương ứng với thời hạn cấp cho nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao, đồng thời được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

Nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao cũng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Để thu hút nhân lực công nghiệp công nghệ số trong cơ quan nhà nước, Luật có nhiều quy định cởi trói như nhân lực trong tổ chức, doanh nghiệp là công dân Việt Nam có nguyện vọng, đáp ứng tiêu chí nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao thì được xem xét, quyết định tiếp nhận vào làm công chức, viên chức mà không cần thông qua thi tuyển, xét tuyển.

Nguồn nhân lực này cũng được xem xét bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý mà không cần đáp ứng điều kiện về thời gian công tác, quy hoạch và các điều kiện khác theo quy định nếu cơ quan, đơn vị có nhu cầu, đồng thời được hưởng các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ khác của Nhà nước đối với nhân lực chất lượng cao theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Trường hợp công chức, viên chức đã chuyển sang làm việc tại tổ chức, doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chí nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao, có nguyện vọng quay lại làm công chức, viên chức thì được ưu tiên tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.

Ngoài ra, được bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng chế độ, chính sách về lương, phụ cấp, ngạch công chức/hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và các chế độ, chính sách khác tương đương hoặc cao hơn chế độ, chính sách đã được hưởng trước đây. Các trường hợp này sẽ được xem xét là trường hợp đặc biệt khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu cơ quan, đơn vị có nhu cầu.

Với trường hợp nhân lực là nhân tài công nghệ số, ngoài các ưu đãi về thuế, về điều kiện cư trú, còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như được hưởng cơ chế đặc biệt về lương, thưởng cạnh tranh với mức lương, thưởng trên thế giới, được ưu tiên tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm theo quy định pháp luật cán bộ, công chức, viên chức.

Các chuyên gia này cũng sẽ được hỗ trợ về môi trường làm việc, không gian sống, nhà ở, phương tiện đi lại, được hỗ trợ tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về công nghiệp công nghệ số, được hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất cho nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ số và được tôn vinh, khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, đây là những ưu đãi nổi bật, chưa từng có nhằm giúp Việt Nam xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ số chất lượng cao để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, các luật mới đã giải quyết những vướng mắc lớn trong hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt qua việc thể chế hóa Nghị quyết 193 và triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Bốn điểm đột phá được ông Duy nêu rõ gồm chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu; Mở rộng cơ chế khoán chi; Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, cho phép các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học thành lập doanh nghiệp để đưa kết quả khoa học ra thị trường; Giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho tổ chức chủ trì giúp kết quả nghiên cứu được khai thác hiệu quả thay vì "nằm trong ngăn kéo".

Ngoài ra, Luật mới còn thiết lập cơ chế quỹ khoa học công nghệ, rút ngắn tối đa thời gian triển khai nhiệm vụ nghiên cứu từ khâu lập dự toán đến ký hợp đồng.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khong-de-sua-gia-ton-tai-duoi-vo-boc-san-pham-chat-luong-cao-169250708071332975.htm