Không để tâm lý lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19 tại cộng đồng
ĐBP - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 sáng ngày 9/2.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo đánh giá của Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, tình hình dịch bệnh trước trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần có diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng; đặc biệt tại một số địa bàn thuộc huyện Tủa Chùa, Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ có số ca mắc ngoài cộng đồng tăng cao. Tính từ ngày 1-7/2/2022 ghi nhận 671 bệnh nhân mắc Covid-19 (470 ca ngoài cộng đồng). Lũy kế số bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tính từ ngày 5/2/2021 - 7/2/2022 là 3.198 bệnh nhân; điều trị khỏi và xuất viện 1.786 bệnh nhân; tử vong 1 bệnh nhân nữ (93 tuổi); hiện đang điều trị 1.411 bệnh nhân.
Tại hội nghị các địa phương đã báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn; điều kiện cơ sở vật chất, thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại Tủa Chùa tình hình dịch trên địa bàn xã Tủa Thàng, xã Xá Nhè đang diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều ca mắc cộng đồng. Tính từ ngày 1 - 7/2/2022, tổng số ca mắc Covid-19 là 363 (tại cộng đồng 277 ca). Các địa phương kiến nghị UBND tỉnh cung cấp vắc xin, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dich. Đặc biệt là việc hướng dẫn, hỗ trợ cách ly điều trị F0 tại nhà. Lãnh đạo các sở ngành, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã giải đáp những kiến nghị đề xuất của các địa phương. Đồng thời, chỉ ra những tồn tại hạn chế trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; đưa ra các giải pháp, phương pháp thực hiện tốt phòng chống dịch thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực của hệ thống chính trị trong thời gian qua, cơ bản đã kiểm soát tình hình dịch bệnh, giúp nhân dân ăn Tết vui vẻ. Tuy nhiên, vẫn còn những địa phương yếu kém, làm chưa tốt công tác phòng, chống dịch, để dịch bùng phát mạnh với số ca mắc lớn trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ, thiếu ý thức; cấp ủy chính quyền địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch. Thời gian tới, do biến chủng mới lây lan rất nhanh; lượng du khách tăng trong dịp lễ hội hoa ban, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Các địa phương cần nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch thời gian qua. Cần có giải pháp phản ứng nhanh khi có ca nhiễm; với phương châm vừa mở cửa vừa khiểm soát khống chế dịch bệnh. Làm tốt hơn nữa công tác chống dịch; đặc biệt ở các địa phương đông dân cư, nhu cầu đi lại cao như: TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên... Cần làm tốt công tác kiểm soát người ra, vào địa bàn. Quan tâm hơn nữa tới các đối tượng yếu thế (người già, người có bệnh nền, trẻ em). Chuẩn bị tốt công tác hậu cần, đảm bảo người dân có hoàn cảnh khó khăn có đầy đủ lương thực thực phẩm trong thời gian cách ly. Kịp thời phân bổ thuốc cho các địa phương; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, nâng cao vai trò người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm vắc xin cho người dân. Các địa phương chủ động chuẩn bị phương án, kịch bản điều trị F0 tại nhà.
Sở Y tế thực hiện phương án trưng tập cán bộ y tế ở những địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch để tăng cường lực lượng cho địa phương có dịch, nhằm sớm khoanh vùng dập dịch. Ngành Giáo dục và Đào tạo đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh đến trường. Các đơn vị chức năng quản lý chặt đường biên giới... Các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp chủ động, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phân công cán bộ phụ trách xã, huyện. Các cơ quan tuyên truyền kịp thời tuyên truyền tình hình dịch bệnh đến người dân…