Không để tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp

Đó là mong muốn của các đại biểu tham dự cuộc họp góp ý Dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và Dịch vụ tin cậy do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 11/7/2024.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dự thảo Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy là chưa phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử 2023. Cụ thể, theo dự thảo, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân phải thanh toán các khoản phí để được cấp, duy trì hiệu lực của chữ ký số với số tiền vô cùng lớn. Nếu chính sách trên có hiệu lực, người dân và doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng trên môi trường điện tử phải mua chữ ký số của các tổ chức cung cấp chữ ký số công cộng và áp dụng vào các giao dịch trực tuyến với ngân hàng sẽ dẫn đến việc tốn kém chi phí cho toàn thể khách hàng. Theo ước tính một ngân hàng, chi phí chữ ký số mỗi năm có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Chi phí này sẽ được ngân hàng thu lại từ khách hàng.

Hiện nay gần 80% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Nếu theo quy định của dự thảo Nghị định, thì các loại nghiệp vụ chủ yếu của TCTD như nhận tiền tiết kiệm, nhận tiền gửi, cấp tín dụng, giao dịch ngoại tệ… đều yêu cầu có chữ ký điện tử khi giao kết giao dịch.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng chi phí chữ ký số mỗi năm của một ngân hàng có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng chi phí chữ ký số mỗi năm của một ngân hàng có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng

Theo báo cáo của một trong 4 NHTM có vốn nhà nước tại thời điểm tháng 6/2024, số lượng khách hàng giao dịch trên kênh số của ngân hàng này ước tính khoảng 12 triệu khách hàng, với số lượng giao dịch 6,5 -7 triệu giao dịch/ngày (cả năm khoảng 2,3 tỷ giao dịch, bình quân 500 giao dịch/giây), như vậy khi Nghị định có hiệu lực, với mức chi phí khảo sát qua các Công ty cung cấp chứng thực số (CA) trên thị trường từ 550.000-1.800.000 đồng/năm, thì hàng năm khách hàng của ngân hàng này phải chi trả dịch vụ CA Provider lên đến từ 6.600 – 21.600 tỷ đồng. Ngoài ra còn các chi phí khác phát sinh liên quan đến đầu tư hạ tầng, phát triển, vận hành hệ thống nội bộ cho ngân hàng và trang cấp chứng thư số cho cán bộ trong nội bộ.

Còn theo báo cáo của một NHTMCP quy mô lớn, ước tính đến tháng 6/2024 ngân hàng có khoảng 10,2 triệu khách hàng, lượng giao dịch trung bình phát sinh gần 750 triệu giao dịch tài chính/năm, tương đương trung bình gần 500 giao dịch/giây. Ngân hàng này dự tính có 2 phương án chi phí phát sinh trong trường hợp toàn bộ các giao dịch trên phải sử dụng chữ ký số. Phương án một, nếu mua chữ ký số theo năm với đơn giá trung bình 800.000 đồng/năm tổng mức chi phí để trang bị chữ ký số cho 10,2 triệu khách hàng là khoảng 8.160 tỷ đồng. Phương án hai, nếu mua chữ ký số theo giao dịch với mức 2.500 đồng/lần ký thì tổng mức chi phí để trang bị chữ ký số 1.875 tỷ đồng. Chưa kể chi phí sửa đổi các hệ thống để có thể tích hợp việc sử dụng chữ ký số cũng như lưu trữ các giao dịch đã thực hiện.

“Đây là mức chi phí vô cùng lớn nếu tính cả hệ thống các TCTD. Chi phí lớn này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, ông Hùng bày tỏ lo ngại.

Theo yêu cầu của NHNN, các TCTD khi giao kết giao dịch với khách hàng trên môi trường điện tử phải sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số theo quy định của NHNN và của Luật Giao dịch điện tử. Bởi các giao dịch tài chính ngân hàng là các giao dịch đặc thù, đòi hỏi sự chính xác cao và đảm bảo giá trị, bảo mật về mặt chứng từ, chứng cứ chứng minh khi phát sinh tranh chấp, tố tụng... Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị định thì toàn bộ giao dịch của các TCTD trên môi trường điện tử hoàn toàn phụ thuộc vào 1 hoặc một số đơn vị cung cấp chữ ký số công cộng. Điều các ngân hàng quan ngại là liệu các tổ chức này có đảm bảo độ bảo mật, sức tải của hệ thống cấp và ký số... có đảm bảo thông suốt, an toàn với số lượng giao dịch vô cùng lớn, hàng tỷ, chục tỷ giao dịch/năm (trung bình 500 giao dịch/giây).

Đại diện VPBank chia sẻ thêm, nếu thực hiện chữ ký số để hoàn thành một lệnh chuyển tiền phải qua rất nhiều thủ tục. Sau khi nhận lệnh ngân hàng phải xác nhận lại với Công ty CA kiểm tra chữ ký số còn hiệu lực không. Nếu nhà cung cấp trả lời chậm và quá thời gian quy định giao dịch của ngân hàng từ 3-5 giây thì giao dịch sẽ bị hủy. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một giao dịch khách hàng có thể phải xác thực một số lần, giảm rất nhiều trải nghiệm của khách hàng, tăng thời gian giao dịch và gây cản trở việc thúc đẩy chuyển đổi số.

Chung quan điểm, đại diện Vietcombank cho biết, quy định trên không chỉ ảnh hưởng đến chi phí, bảo mật, còn ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Nếu dịch vụ không đảm bảo trải nghiệm tốt sẽ làm cản trở tiếp cận dịch vụ tài chính của khách hàng. Do vậy, quy định phải hài hòa, đảm bảo trải nghiệm khách hàng vừa an toàn, vừa thuận tiện. Đây là yêu cầu từ chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.

Đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng tổng hợp lại tất cả các ý kiến, cũng như các số liệu về tác động cụ thể của từng ngân hàng khi sử dụng chữ ký điện tử so với chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn, để gửi tới Ban soạn thảo, các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, tiếp thu ý kiến của các tổ chức tín dụng và có những điều chỉnh để Nghị định khi ban hành phù hợp với thực tế.

Nguyễn Vũ

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khong-de-tang-chi-phi-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-153463.html