Không để tiết kiệm chỉ là... khẩu hiệu!
Báo cáo của Chính phủ công bố tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV cho thấy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, nổi bật là công tác điều hành chi ngân sách nhà nước được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, bảo đảm đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế còn có những tồn tại chưa được khắc phục. Một số bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Tình trạng chậm phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 đến gần cuối năm mới được thực hiện. Chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng chậm, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình…
Tất cả những bất cập trên sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ trong phiên họp sáng nay (23-5) để làm rõ những nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian tới.
Để tiết kiệm thực sự là “quốc sách”, trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực. Trong đó, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với thường xuyên kiểm tra, đánh giá.
Tiếp theo đó, cơ quan chức năng sớm tham mưu hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.
Cùng với đó, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với từng cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Đặc biệt là kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng là nhiệm vụ rất quan trọng đặt ra đối với các cấp, các ngành. Trong đó cần tập trung vào những lĩnh vực “nóng” như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản…
Đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí. Có như vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới thực sự hiệu quả, không chỉ là “khẩu hiệu” trên giấy.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-de-tiet-kiem-chi-la-khau-hieu-667137.html