Không gian ẩm thực Hà Nội giữa lòng Sài Gòn
Cô Nguyễn Bích Hà - chủ nhà hàng chia sẻ, mong muốn lớn nhất của cô là mang những mâm cơm gia đình với hương vị miền Bắc đến với thực khách Sài Gòn.
Mong muốn người Bắc tìm được vị Bắc giữa lòng Sài Gòn
Đến con phố Trần Cao Vân (Quận 1, TP.HCM), chúng ta bắt gặp không gian nhà hàng mang phong cách quê hương, dân dã - một khung cảnh đậm chất miền Bắc xưa bình yên đến nao lòng.
Đến đây, ta sẽ được cô chủ nhà hàng vị Bắc xuất thân trong một gia đình tri thức tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tiếp đón - đó chính là cô Hà, người đã có 42 năm kinh nghiệm trong ngành xuất nhập khẩu, nhưng lại bén duyên với ẩm thực vị Bắc mang tên nhà hàng Cơm xưa Sài Gòn. “Khi về hưu, tôi lại rất đam mê ẩm thực. Tôi mong muốn người miền Bắc khi vào Sài Gòn công tác hay những người Bắc đang sinh sống tại đây, có thể tìm lại được hương vị mâm cơm miền Bắc qua những món ăn đặc trưng của mình.” – Cô Hà chia sẻ.
Cô Hà cho biết, tiền thân của nhà hàng Cơm xưa Sài Gòn là đầu bếp Phạm Tuấn Hải, thành viên Hiệp hội các đầu bếp Đông Nam Á, ông được bình chọn là một trong 10 đầu bếp nổi tiếng nhất Việt Nam. Đến nay, ông Hải và cô Hà vẫn xuyên suốt vận hành nhà hàng với mong muốn giữ nguyên vị Bắc giữa thành phố Sài Gòn hoa lệ này.
Tiết giảm gia vị… nhẹ nhàng, thanh tao như chính những người con Hà Nội
Hàng ngày, nhà hàng của cô Hà tiếp đón thực khách đến thưởng thức từ khắp các vùng miền và cả người nước ngoài đến trải nghiệm. Những đánh giá tích cực của thực khách quê nhà miền Bắc sau khi thưởng thức mâm cơm nóng hổi tại nhà hàng, chính là điều khiến cô Hà ấm lòng và là động lực xua tan hết mệt mỏi.
Cô Hà chia sẻ thêm: “Nôm na tôi gọi là cơm nhà, như một bát canh cua, mấy quả cà pháo hay là đĩa rau muống luộc, thịt rang cháy cạnh, tép rang khế.. tuy rất dân dã nhưng với tôi lại là một mâm cơm đầm ấm nguyên vị quê hương mình, đó là điều tôi muốn hướng tới, khi thực khách đến đây đều phải được thưởng thức những món ăn mang nét đặc trưng miền Bắc ngay cả trong cách chế biến hay hương vị.”
Đặc biệt, các món ăn tại đây không sử dụng đường và mì chính, thay vào đó vị ngọt được lấy từ nước xương hầm. Như món canh cải cá rô đồng, đầu bếp sẽ dùng nước sườn hầm cùng cá rô cho vào hấp, sau đó nhặt tất cả xương, nấu lên cùng rau cải cay. Thành quả mang lại sẽ là bát canh cá rô đồng với hương vị thơm ngon từ nước xương hầm và cá rô, ngăm ngăm đắng của cải cay và một ít vị nồng của gừng đập dập.
Trong khi đó, để theo kịp xu hướng sống khỏe của thực khách, đồng thời đặt vấn đề sức khỏe là ưu tiên hàng đầu khi vận hành, hầu hết các món ăn tại đây cũng hạn chế tối đa dầu mỡ. Các nguyên liệu hướng đến thực phẩm xanh, lành như rau rừng từ Tây Nguyên, hay rau củ từ Đà Lạt,…
Một thực khách của nhà hàng chia sẻ: “Là người con Hà Nội sinh sống tại Sài Gòn được 13 năm, tôi luôn đi tìm các món ăn đúng vị Bắc để thỏa nỗi nhớ quê hương vì tôi không có nhiều thời gian để về Hà Nội. Khi tìm được nhà hàng Cơm xưa Sài Gòn, lúc mới bước vào, không gian tại đây chính xác là hồn cốt của Hà Nội, định lượng món ăn cũng đong đầy như mâm cơm ở nhà và rất đưa cơm. Ngoài ra, các món canh và rau xào ở đây khi thưởng thức cảm giác rất ngon và sạch.”
Nhờ tính toán, "cân đo" kỹ lưỡng, nhà hàng Cơm xưa Sài Gòn được thiết kế theo đúng phong cách xưa của vùng Bắc Bộ; mọi thứ từ cửa sổ, rèm, quạt cọ,… đều được mang từ Bắc vào để chiều lòng thực khách, từ vị giác đến thị giác. Điều này góp phần tạo cảm giác ngon miệng và chuẩn vị Bắc nhất khi thưởng thức tại nhà hàng.
Ẩm thực vị Bắc toát lên nét thanh tao, nhẹ nhàng như chính những người con của Hà Nội. Dân dã, dung dị nhưng vẫn đủ tinh tế để tạo ấn tượng sắc nét về hương vị ẩm thực của đất kinh kì trên bản đồ ẩm thực Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/khong-gian-am-thuc-ha-noi-giua-long-sai-gon-196311.htm