Không gian công cộng: 'chợ hóa' và những khoảng trống văn hóa

Việc tổ chức hội chợ trên không gian phố đi bộ gần đây bị xem là hoạt động gây mất mỹ quan đô thị. Song, nguyên nhân dẫn đến trình trạng đó chủ yếu nằm ở tư duy trong tổ chức hội chợ. Nếu người quản lý nhận thức được và thay đổi tư duy tổ chức, hội chợ nhất định sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút thêm du khách đến với các tuyến phố đi bộ.

Sau khi dư luận phản ánh về tình trạng những sự kiện văn hóa, trong đó có các hội chợ tổ chức trên không gian phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) gây mất mỹ quan, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao hạn chế cấp phép tổ chức một số sự kiện. Đến nay, Hồ Gươm đã được trả lại sự văn minh, yên bình. Nhưng sự yên bình ấy dường như đang tạo ra một khoảng trống giao lưu văn hóa trên con phố này.

Nói như vậy chẳng phải chỉ có mỗi phố đi bộ Hồ Gươm, mà nhiều không gian phố đi bộ khác cũng tổ chức những hoạt động buôn bán trên danh nghĩa hội chợ. Tháng 12 năm ngoái, tuyến phố đi bộ mới nằm trên tuyến phố Trần Nhân Tông kết hợp với công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) chính thức được khai trương. Những tưởng thêm một phố đi bộ mới, sẽ có thêm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí nữa, phục vụ người dân và du khách đến với Thủ đô. Tuy nhiên, các gian hàng buôn bán lại vô tư mọc lên. Thậm chí, có một thời gian, một số gian hàng ở đây bày bán những mặt hàng tưởng như chỉ có ở những sạp chợ bình dân.

Tại mỗi địa phương, trên mỗi con phố, những gian hàng núp bóng hội chợ quảng bá được ban tổ chức đặt cho những mỹ từ khác nhau. Song, trên một bình diện chung, hội chợ vẫn bị xem là những không gian được dựng lên để buôn bán các sản phẩm.

Một gian hàng bày bán cả thực phẩm tươi lẫn thực phẩm khô tại 'Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023' trên phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Quang Minh

Một gian hàng bày bán cả thực phẩm tươi lẫn thực phẩm khô tại 'Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023' trên phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: Quang Minh

Hội chợ chưa được xem là "đại sứ văn hóa"

Dù Nhà Đấu xảo Đông Dương hiện nay đã trở thành Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, không còn là một nơi dành riêng để trưng bày, giới thiệu các sản vật quý, nhưng những hình ảnh còn lưu lại cho đến ngày nay vẫn là một tư liệu đáng quý đối với chúng ta trong việc ứng xử thế nào với các hội chợ. Để có thể giới thiệu các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của Bắc Kỳ, cùng với hiện vật văn hóa của Đông Dương và Viễn Đông, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho xây không gian xứng tầm cho một hội chợ quốc tế.[1]

Từ đó, Nhà Đấu xảo ra đời, sau trở thành Bảo tàng Maurice Long. Tại đây, người Pháp dựng nên các nhà trưng bày dành riêng cho từng khu vực, quốc gia để có thể quảng bá các sản vật bản địa. Trong không gian này, họ đâu chỉ trưng bày những món đồ thủ công mỹ nghệ, mà ngay cả sản phẩm nông sản cũng được trưng bày. Mỗi loại nông sản chỉ đặt 1 tới 2 sản phẩm đại diện, thay vì chất đống để buôn bán như hội chợ ngày nay chúng ta nhìn thấy. Việc quy hoạch không gian cho mục đích triển lãm của người Pháp hẳn sẽ khiến người ta liên tưởng tới không gian tại các kỳ World Expo trên thế giới.

Cũng chẳng phải các đô thị lớn hiện nay, đặc biệt là Hà Nội thiếu không gian phục vụ cho hoạt động giới thiệu, trưng bày các mặt hàng, nên mới tận dụng không gian phố đi bộ để tổ chức hội chợ. Bởi nếu ta nhìn từ góc độ hoạt động du lịch, do một lượng lớn du khách tới tham quan, nên phố đi bộ trở thành nơi lý tưởng để quảng bá các sản phẩm đặc trưng của các địa phương. Đồng thời, các du khách cũng có dịp giao lưu với các nghệ nhân đến từ khắp nơi trên cả nước, mà không phải đến tận làng nghề mà họ sinh sống, làm việc. Qua đây, hội chợ cũng góp phần kết nối với du lịch làng nghề, một loại hình du lịch nhận đầy triển vọng trong thời gian gần đây.

Từ vai trò đó, hội chợ cũng có thể xem là đại sứ văn hóa. Nhưng dường như, vai trò đại sứ văn hóa chưa được phát huy một cách có hiệu quả. Do tư duy của người tổ chức hội chợ, cùng với sự đầu tư lỏng lẻo, thiếu bài bản, thiếu sáng tạo, nhiều hội chợ tưởng rằng sẽ là nơi quảng bá, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, bỗng trở thành những khu chợ "cóc", chợ tạm họp theo phiên như ở những miền quê.

Những sạp hàng khiến người ta có cảm giác như như "chợ cóc", "chợ trời" ở Công viên Thống Nhất. Ảnh tư liệu: Hân Hương

Những sạp hàng khiến người ta có cảm giác như như "chợ cóc", "chợ trời" ở Công viên Thống Nhất. Ảnh tư liệu: Hân Hương

Tại nhiều sự kiện hội chợ trên phố đi bộ, bên cạnh những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, người ta bày bán tràn lan từ thực phẩm tươi như rau củ quả cho đến các thực phẩm khô. Đối với một số mặt hàng, nếu để ở ngoài trời trong một thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng hư hỏng, phát ra mùi hôi nồng nặc. Rồi chưa kể rác thải từ các hội chợ xả ra phố đi bộ gây mất vệ sinh.

Quần áo cũng là sản phẩm được bày bán tràn lan trên phố đi bộ. Nếu chỉ đơn thuần là bày bán áo dài, những trang phục truyền thống, nhằm giới thiệu hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế thì rất đáng hoan nghênh. Nhưng những sản phẩm kém chất lượng, được gắn mác hàng Việt Nam xuất khẩu cũng được đem ra bán.

Trong hai ngày diễn ra Ngày hội Mottainai trao yêu thương – nhận hạnh phúc vào tháng 10 vừa qua, thay vì bố trí quầy ăn uống và quầy trang phục ra thành hai khu riêng biệt, thì gian hàng ẩm thực Hà Nội lại được đặt đối diện với gian hàng quảng bá áo ngũ thân truyền thống. Chưa kể, nhiều người sẽ thắc mắc khi tại gian hàng ẩm thực Hà Nội lại bán bánh tráng nướng – một món ăn nổi tiếng gắn tên tuổi với thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Liệu rằng, việc bán một món ăn không phải đặc sản của Hà Nội tại gian hàng này có đúng là đang quảng bá văn hóa? Bầu không khí nhộn nhạo, khung cảnh buôn bán nhếch nhác rõ ràng sẽ làm mất mỹ quan của phố đi bộ.

Không chỉ riêng phố đi bộ, mà nhiều thiết chế văn hóa khác cũng được tận dung không gian để tổ chức hội chợ. Ngày 25-27.10 vừa qua, ngay tại Thư viện tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức Chợ phiên nông sản an toàn tỉnh Bắc Ninh phiên II năm 2023. Hay như tại lễ hội truyền thống chùa Keo (huyện Vũ Thư, Thái Bình) năm nay, UBND huyện Vũ Thư chủ trì tổ chức Hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Nếu nhà quản lý xem hội chợ là đại sứ văn hóa đích thực, hội chợ phải lan tỏa được những giá trị văn hóa tốt đẹp của các địa phương, thay vì vẫn nặng về mục đích kinh doanh, thu lợi nhuận như hiện nay.

Các gian hàng bày bán trong công viên với những mặt hàng tưởng như chỉ có ở những sạp chợ bình dân. Ảnh TL: Hân Hương

Khoảng trống văn hóa sau khi không tổ chức hội chợ

Vậy nếu không tổ chức hội chợ, các phố đi bộ ở Hà Nội nói riêng dường như thiếu đi các sự kiện giao lưu văn hóa. Bản thân mỗi tuyến phố đi bộ đều có những giá trị lịch sử, văn hóa, có những nét đặc sắc riêng. Thay vì sao chép lẫn nhau các mô hình tổ chức sự kiện sẵn có, ban quản lý cùng các chuyên gia nên xây dựng chiến lược thu hút khách du lịch, gắn liền với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của từng tuyến phố. Nhìn chung, nhiều tuyến phố hiện tại do chưa khai thác được thế mạnh sẵn có, vô tình tạo ra cho mình những khoảng trống về các sự kiện giao lưu văn hóa. Và, hội chợ dường như trở thành cứu cánh hữu hiệu, để lấp đầy khoảng trống ấy.

Nếu chỉ nhìn vào những hội chợ chưa đem đến trải nghiệm thị giác tốt trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm mà không để tâm tới những sự kiện văn hóa khác, thì quả thực chưa công tâm đối với tuyến phố này. Bởi trên các tuyến phố đi bộ quanh quận Hoàn Kiếm, cũng có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa khác. Nhưng chưa nhiều hoạt động sáng tạo, hấp dẫn, phần lớn vẫn mang tính chất lấp đầy khoảng trống.

Các gian hàng quảng bá áo dài, cổ phục tại Tuần lễ Áo dài Du lịch 2023 nếu có sự đầu tư chỉn chu và chuyên nghiệp sẽ thu hút đông đảo khách tham quan hơn. Ảnh: Hoàng Quyên

Các gian hàng quảng bá áo dài, cổ phục tại Tuần lễ Áo dài Du lịch 2023 nếu có sự đầu tư chỉn chu và chuyên nghiệp sẽ thu hút đông đảo khách tham quan hơn. Ảnh: Hoàng Quyên

Tháng 10 vừa qua, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm “Hồ Gươm – Giao lộ Đông – Tây”. Ý tưởng cho nội dung triển lãm rất hấp dẫn, khi vẽ ra trước mắt người xem lịch sử của Hồ Gươm từ khi còn là một ao hồ mang dáng vẻ nông thôn cho đến khi được người Pháp quy hoạch.

Ban đầu, triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Thông tin số 2 Lê Thái Tổ. Nhưng một thời gian sau đã được di chuyển ra khu vực Bờ Hồ để tiện cho du khách thưởng lãm. Tuy nhiên, triển lãm chỉ trưng bày tầm chục tấm hình được in ra, kèm các thông tin và xếp nối tiếp nhau, mà chưa có thiết kế, bố trí không gian bắt mắt. Khoảng không gian cho triển lãm còn quá nhỏ so với một hội chợ, có khi chỉ bằng một, hai gian hội chợ. Chính vì vậy, triển lãm cần tăng quy mô, đầu tư về bài trí để tạo được dấu ấn mạnh mẽ hơn với khách tham quan. Bởi những triển lãm như thế chưa có nhiều do việc đầu tư khai thác tư liệu cũ, lên ý tưởng tổ chức cũng rất tốn thời gian.

Có vai trò là nơi “đất lành chim đậu” của các nghề thủ công truyền thống trong lịch sử, phố cổ quận Hoàn Kiếm đã biết tận dụng không gian các di tích để tổ chức các triển lãm, hoạt động trải nghiệm. Ví dụ như đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hoàn Kiếm) được lựa chọn làm nơi trải nghiệm các hoạt động làm nghề thủ công truyền thống như đan nón, đan đồ dùng bằng mây, tre,…

Dẫu vậy, hạn chế của các di tích nằm trong phố cổ là diện tích không quá lớn, sức chứa có giới hạn, vị trí nằm trong phố cổ chật hẹp, nên khả năng tiếp cận đông đảo công chúng khó có thể so sánh với không gian Bờ Hồ. Cùng với đó, hệ thống các di tích không tập trung mà nằm rải rác trên các con phố cổ, nên hoạt động diễn ra tại các điểm di tích thiếu tính liên kết với nhau. Cùng với đó, chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để du khách có thể di chuyển giữa các điểm di tích trong thời gian ngắn nhất và quãng đường thuận tiện nhất.

Các tuyến phố đi bộ trên quận Hoàn Kiếm cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt, biểu diễn văn nghệ như hát, múa, nhảy,… Có thể kể đến như CLB Ca nhạc truyền thống UNESCO Hà Nội thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn chầu văn, xẩm, chèo… trên phố Mã Mây. Điểm thú vị của hoạt động này là góp phần quảng bá các loại hình nghệ thuật của Bắc Bộ đến du khách thập phương.

Song, phần lớn các tiết mục trình diễn tại các tuyến phố này đều mang tính chất tự phát của các cá nhân, tổ chức ngoài công lập, không có gì mới mẻ, thiếu tính sáng tạo, nên du khách không có quá nhiều hứng thú để theo dõi hết chương trình.

Thay đổi tư duy trong tổ chức hội chợ

Cần nhìn nhận lại, việc tổ chức hội chợ không phải là nguyên do chính khiến hình ảnh phố đi bộ trở nên xấu đi, mà nằm ở tư duy, cách thức tổ chức hội chợ. Nếu đầu tư hơn cho các hội chợ, đây hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, không kém gì các sự kiện văn hóa khác.

Nhìn vào nước bạn, Hội chợ sách Frankfurt (Đức) – hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới đã có lịch sử hình thành và phát triển gần 500 năm – đến nay vẫn có sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Chủ đề qua từng năm không ngừng được thay đổi, hướng đến những vấn đề được nhiều người đọc quan tâm. Như trong năm 2022, hội chợ tập trung nhiều vào vấn đề dịch thuật cho người khiếm thị, hay thị trường bán lẻ sách nói và cách thức tiếp cận khách hàng trong bối cảnh nền tảng thương mại điện tử đa dạng.

Không thể phủ nhận, trên không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm cũng có không ít hội chợ mang tư duy tiến bộ, nội dung được đầu tư công phu, có thể kể đến như Hội sách Hà Nội, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội,…

Thiết kế sân khấu tọa đàm ra mắt sách tại Hội sách Hà Nội 2023 trên phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: BTC

Thiết kế sân khấu tọa đàm ra mắt sách tại Hội sách Hà Nội 2023 trên phố đi bộ Hồ Gươm. Ảnh: BTC

Với Hội sách Hà Nội, bên cạnh tổ chức gian hàng cho các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, sự kiện cũng tập trung nhiều hơn vào các hoạt động giới thiệu sách tới độc giả. Nhiều cuốn sách mới phát hành được tổ chức thành các buổi giao lưu giữa tác giả, dịch giả với độc giả.

Hay trong Tuần lễ Áo dài Du lịch vừa qua, hội chợ là hoạt động được tổ chức nhằm kết nối với chuỗi các sự kiện diễn ra trong tuần lễ này. Thông qua các gian hàng được ban tổ chức bố trí sẵn cho từng thương hiệu, các nhà thiết kế có thể quảng bá tới công chúng những mẫu thiết kế mới của mình, hay những nhà nghiên cứu có thể giới thiệu những mẫu cổ phục mà mình đã phục dựng lại thành công.

Đáng chú ý, tọa đàm “Định hướng và phát triển áo dài trong cộng đồng và kết nối du lịch” được đưa vào trong khuôn khổ sự kiện, cho thấy ban tổ chức đã lên được ý tưởng phù hợp tâm lý số đông du khách đối với áo dài. Thế nhưng, sự kiện chưa thực sự trọn vẹn khi diễn giả chưa thực sự diễn giải được những vấn đề mà công chúng quan tâm. Kịch bản tọa đàm thiếu đầu tư, chưa được tập dượt kỹ lưỡng, dẫn đến hiện trạng tọa đàm mới chỉ tổ chức cho có. Dẫu vậy, hoạt động này cũng cho thấy hội chợ ở nước ta đang có sự tiệm cận với xu thế tổ chức hội chợ của các nước trên thế giới.

Ý tưởng cho những hội chợ có giá trị văn hóa cao như trên chưa có nhiều. Chưa kể, thời gian và chi phí dàn dựng không gian, xây dựng nội dung hoạt động cũng tốn kém, nên nhiều người tổ chức hội chợ vẫn giữ tư duy tổ chức kiểu “mì ăn liền” – muốn tổ chức không tốn nhiều kinh phí, thời gian chuẩn bị. Điều đó vô hình trung không những không phát huy, mà còn góp phần làm xói mòn những giá trị văn hóa, những đặc trưng riêng biệt của từng con phố đi bộ.

Ngoại trừ phố đi bộ Hồ Gươm và phố cổ khu vực quận Hoàn Kiếm vốn có bề dày lịch sử, nằm ở ví trí trung tâm của Thủ đô nói riêng và trên cả nước nói chung, thiết nghĩ, những phố đi bộ khác nếu không nhanh chóng thay đổi tư duy trong tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, sẽ tự đẩy mình vào tình trạng “heo hút” khách du lịch, nhất là trong tình trạng lạm phát phố đi bộ như hiện nay.

Đoan Túc

[1] Mời xem thêm bài viết “Khu Đấu Xảo Hà Nội: Khi không gian cho công nghiệp sáng tạo tầm quốc tế được đặt đúng chỗ” của tác giả Trần Hậu Yên Thế: https://nguoidothi.net.vn/khu-dau-xao-ha-noi-khi-khong-gian-cho-cong-nghiep-sang-tao-tam-quoc-te-duoc-dat-dung-cho-37033.html

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khong-gian-cong-cong-cho-hoa-va-nhung-khoang-trong-van-hoa-41665.html