Không gian phát triển mới khi sáp nhập TP.HCM và Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định khi TP.HCM sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu sẽ tạo sự cộng hưởng để thúc đẩy tăng trưởng mạnh cho các địa phương, tạo ra không gian phát triển mới.

Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2025.

Bày tỏ vui mừng khi cả nước đã đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu đề ra năm 2024 cùng những kết quả tích cực 4 tháng đầu năm 2025, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nói đó là những thành công rất đáng trân trọng trong tình hình thực tiễn có nhiều khó khăn, biến động khó lường.

“Gần 40 năm đổi mới, Việt Nam tăng trưởng liên tục, năm cao nhất đạt 9,54% vào năm 1995; năm thấp nhất là 2021 đạt 2,6% bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19” – ông Ngân dẫn chứng.

Đề xuất cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vaccine

Đánh giá dịch COVID-19 rất nguy hiểm, ông Trần Hoàng Ngân đề nghị cần có đầu tư cho dự báo, nghiên cứu, đánh giá từ xa, không đợi đến khi dịch xâm nhập vào Việt Nam mới tính, như vậy rất bị động.

Đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm có chủ trương cho phép các doanh nghiệp, bệnh viện, trung tâm tiêm chủng được nhập khẩu vaccine… để phòng, chống COVID-19 như những loại bệnh khác.

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Đi sâu vào phân tích những kết quả, điểm sáng đạt được về kinh tế - xã hội cùng những tác động, hạn chế đang gặp, đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị quan tâm tới một số nhiệm vụ để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 và hai con số những năm tiếp cùng mục tiêu chiến lược 100 năm.

Cụ thể, về ba đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), ông Trần Hoàng Ngân nói tại kỳ họp 9 này, Quốc hội đã và đang làm việc rất căng thẳng, vất vả, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tích cực... để sớm gỡ các vướng mắc về thể chế. “Đặc biệt, 'bộ tứ chiến lược' của Bộ Chính trị cùng nhiều chủ trương khác của Đảng, Nhà nước đang được thể chế hóa để đi vào thực tiễn” – ông Ngân nhấn mạnh.

Nói về nguồn nhân lực, đại biểu Ngân cho rằng cần làm sao để chọn được đội ngũ cán bộ giỏi, đáp ứng được yêu cầu công việc trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số… “Công tác cán bộ rất quan trọng, quyết định sự thành công trong sự phát triển quốc gia" – theo ông Trần Hoàng Ngân.

Ngoài ra, đại biểu Ngân cũng nêu ra ba động lực mới gồm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; hợp nhất các tỉnh thành từ 63 xuống còn 34.

“Sáp nhập tỉnh được xem là động lực quan trọng nhất, tạo không gian phát triển mới” – ông nói và dẫn chứng khi TP.HCM sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu thì không phải theo hệ số cộng mà là sự hỗ trợ, tương hỗ, cộng hưởng để thúc đẩy tăng trưởng mạnh cho các địa phương.

Ba thế mạnh cần đầu tư mạnh hơn

Ông Ngân cũng đề cập đến ba thế mạnh của Việt Nam là du lịch, nông nghiệp và dịch vụ. Trong đó, nói về ngành du lịch của Việt Nam, đại biểu đã chỉ ra những lợi thế như vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi, lại được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều danh lam thắng cảnh, có bờ biển dài và đẹp, cạnh đó là nguồn nhân lực dồi dào…

“Với những lợi thế đó, có thể tin tưởng ngành du lịch Việt Nam góp phần định vị thương hiệu du lịch quốc gia, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển” – đại biểu Ngân nói.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng đánh giá Việt Nam có nhiều thế mạnh về nông nghiệp nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, có nhiều sản phẩm nằm trong top đầu của thế giới như gạo, cafe, hồ tiêu, điều, trái cây…

“Cần có chính sách đầu tư, đặc biệt là một nghị quyết đủ lớn, đủ mạnh của Quốc hội dành cho ngành nông nghiệp để có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, thông minh…” – ông Ngân đề xuất.

Ngoài ra, vị đại biểu đoàn TP.HCM cũng cho hay ngành dịch vụ đang đóng góp 65% GRDP của TP và còn phát triển hơn nữa trong tương lai. Cụ thể như ngành dịch vụ tài chính ngân hàng, logistic, y tế chất lượng cao, công nghệ thông tin….

“Với lợi thế về đường bờ biển dài và đẹp, Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển nhiều cảng trung chuyển quốc tế, trong đó có cảng Cần Giờ, cảng Thị Vải – Cái Mép, các khu thương mại tự do…” – đại biểu Trần Hoàng Ngân tin tưởng.

Tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) ghi nhận những “nỗ lực rất lớn” trong thời gian qua, song cho rằng còn nhiều vấn đề cần khắc phục để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

Những khó khăn được ông Nghĩa đề cập là việc áp thuế quan của Hoa Kỳ với nhiều diễn biến không dự đoán được. Việt Nam hiện đã thương lượng vòng 2 nhưng đến nay chưa có kết luận cụ thể.

Cạnh đó là cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy dù được cử tri và nhân dân rất ủng hộ nhưng ít nhiều cũng tác động đến yếu tố con người…

Vị đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề thể chế, đã có những cải thiện tích cực nhưng vẫn cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Dẫn phản ánh từ cử tri và doanh nghiệp, ông Nghĩa đề cập tới 2 nội dung.

Đầu tiên là có hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Khi học nghị quyết, nghe lãnh đạo chỉ đạo ở các cuộc họp thì rất hào hứng nhưng khi đi vào quy định cụ thể thì rất vướng. Hàng ngàn giấy phép con, thủ tục vẫn tiếp tục “mọc lên”. Theo ông nghĩa, khi bước vào một dự án, một việc làm ăn cụ thể là đụng ngay hàng loạt quy định.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Cạnh đó, vẫn còn hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”. Dự cuộc họp với Thủ tướng xong, các tập đoàn, doanh nghiệp rất hào hứng, phấn khởi, thế nhưng khi về địa phương, doanh nghiệp bắt tay vào làm thì gặp những cán bộ, công chức hoặc bộ phận không ủng hộ như vậy.

Đại biểu Nghĩa nhìn nhận một mặt thể chế chưa đủ nhưng mặt khác có quy định hết rồi nhưng thực hiện lại chưa được.

Từ thực tiễn trên, ông Nghĩa cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ tới đây là làm sao để các chủ trương được thực hiện một cách xuyên suốt đến tận cấp xã, không thể “thông thoáng ở bộ, ở tỉnh nhưng đến xã thì lại tắc”.

“Chứng nhận cái giấy để sửa chữa nhà thôi, đề nghị ông xã ký xác nhận 4 bên không có tranh chấp, thậm chí nhiều trường hợp phải có phong bì mới ký” - ông Nghĩa dẫn chứng.

Nhấn mạnh việc thực hiện thể chế quan trọng không kém gì cải cách thể chế, vị đại biểu TP.HCM đề nghị cán bộ cấp bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh có thể hóa trang, để vi vi hành tới những cơ quan thuộc phạm vi mà mình quản lý, xem cán bộ, nhân viên ở đó đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/khong-gian-phat-trien-moi-khi-sap-nhap-tphcm-va-binh-duong-ba-ria-vung-tau-post851264.html