Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự: Điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết 68
Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy quản lý nhà nước khi chủ trương chuyển từ nền hành chính công vụ mang tính quản lý sang mô hình phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm. Một trong những điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết này là việc phân định rõ ràng trách nhiệm giữa hình sự với hành chính, dân sự, cũng như giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
Từ trước đến nay, doanh nghiệp đều có chung nỗi lo tiềm ẩn về các vấn đề pháp lý khi đưa ra các quyết định kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh pháp luật thay đổi nhanh chóng, việc vận dụng đôi khi chưa thống nhất giữa các cơ quan thực thi pháp luật.
Việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự đã từng gây ra tâm lý lo ngại, thậm chí làm triệt tiêu tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo và sự năng động của khu vực tư nhân.
“Khi đã bị truy cứu hình sự, họ không chỉ mất tài sản mà sự nghiệp đều dang dở”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ.

Trong suốt gần 40 năm Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã nhận ra sự cần thiết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Tuy nhiên, phải đến Nghị quyết 68 mới có những quan điểm quyết liệt và đây là những điểm mới chưa từng có. Cụ thể: Sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Nghị quyết 68 cũng nêu rõ: Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
“Có thể hiểu rằng, nếu người kinh doanh mắc sai phạm thì đều tạo điều kiện cơ hội cho họ làm lại. Điều này đối với doanh nhân cực kì quan trọng. Thêm một điểm nữa là Nghị quyết cũng phân biệt rõ giữa thể nhân và pháp nhân, tức là phân biệt rõ giám đốc và doanh nghiệp. Giám đốc vi phạm là trách nhiệm của cá nhân chứ không kéo doanh nghiệp vào. Niêm phong tài sản của cá nhân chứ không niêm phong tài sản, trụ sở doanh nghiệp. Sẽ không còn câu chuyện niêm phong cả nhà máy làm vật chứng của vụ án. Chính vì vậy, doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ an tâm hơn, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, tiếp cận cái mới để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
"Mỗi doanh nghiệp chính là một tế bào của nền kinh tế. Khi từng tế bào khỏe mạnh, cả cơ thể sẽ phát triển vững vàng. Do đó, việc chủ động đổi mới và thích nghi của doanh nghiệp sẽ là yếu tố sống còn trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh. Để Nghị quyết 68 thực sự phát huy hiệu quả, cũng cần có sự đồng hành và chủ động từ phía doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân cần tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và phản biện chính sách, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực quản trị, vận hành và tuân thủ pháp luật", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nghị quyết 68 không chỉ có các chủ trương, chính sách mới, đó còn là một lời cam kết với doanh nghiệp, với người dân và với tương lai của đất nước. Và trong hành trình kiến tạo một Việt Nam hùng cường, việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự chính là hành động đầu tiên đầy quyết đoán, đầy hy vọng để khơi dậy một môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng và sáng tạo.