Không lo lắng nguồn cung ứng thực phẩm phòng bão, lũ

Cuối giờ làm việc buổi chiều, dọn dẹp phòng trước khi ra về, chị Ngọc nhanh nhảu nói:

- Lát nữa trên đường về em sẽ rẽ vào chợ mua tích trữ thêm thực phẩm tươi sống như thịt gà, cá, rau củ để đề phòng mưa, ngập lụt. Nghe đồn nước lũ dâng cao, bà con mua đồ tích trữ trong tủ lạnh giống như thời kỳ phong tỏa do Covid-19 của mấy năm trước.

Chị Thanh tham gia:

- Tôi khuyên cô chỉ nên mua vừa đủ ăn, không nên tích trữ nhiều thực phẩm. Bài học từ bản thân tôi đây này, trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, tôi cũng mua tích trữ thực phẩm, nhét đầy tủ lạnh. Do mưa bão, nhà tôi bị mất điện 2 ngày, tủ lạnh không hoạt động được, các loại thịt, cá ôi thiu phải bỏ đi, rất lãng phí. Rút kinh nghiệm, lần này tôi không bị cuốn theo trào lưu tích trữ thực phẩm nữa.

Chị Hoa góp chuyện:

- Em còn nhớ đợt dịch Covid-19, thấy hàng xóm đi mua thực phẩm tích trữ, mẹ em cũng lo lắng quá liền mua hơn 1 tạ gạo, vài trăm quả trứng gia cầm, mấy chục thùng mì ăn liền, hàng yến cá khô, lạc khô, dự phòng khi dịch bệnh hàng hóa khan hiếm. Sau đó ít ngày, hàng hóa thị trường phong phú trở lại. Lo ngại về số lương thực, thực phẩm để lâu ngày sẽ không bảo đảm chất lượng, mẹ em lại phải mất công chia nhỏ số hàng đã mua, nhờ người thân quen sử dụng giúp cho nhanh hết. Mẹ em bảo, nghe theo trào lưu mua thực phẩm tích trữ vừa mất công sức, vừa mất tiền mua lúc giá cả đắt đỏ, vừa bị người khác cười nhạo. Đợt này, mẹ em tỉnh táo không mua tích trữ thực phẩm trong nhà nữa rồi.

Thực tế là mỗi khi có thông tin về mưa bão, một bộ phận người dân vội vàng tích trữ lương thực, thực phẩm. Để phòng, chống bão, lũ, mưa to, gió lớn, thay cho nhìn nhận, phân tích, đánh giá tình hình dựa trên những hướng dẫn do cơ quan chuyên môn công bố, khuyến cáo, thì nhiều người lại đổ xô đến các siêu thị, chợ và cửa hàng khuân vác lương thực, thực phẩm về nhà tích trữ, tạo tâm lý lo lắng cho người khác. Việc làm có phần vội vàng và ích kỷ ấy đã tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo, đẩy giá nhu yếu phẩm tăng cao cục bộ và tạo dư luận hoang mang, lo lắng. Những người dân vội vàng đi mua sắm đã chất thêm gánh nặng lên vai cơ quan quản lý thương mại và lực lượng chức năng vào đúng thời điểm mà họ cần sự cộng đồng trách nhiệm của người tiêu dùng để bình ổn thị trường, tránh những hệ lụy không hay. Trong Công văn số 2864-CV/TU ngày 10/9/2024 của Thường trực Tỉnh ủy về việc phòng, chống lụt bão và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, có nội dung chỉ đạo về bảo đảm lương thực, hàng hóa, cụ thể như: “bảo đảm duy trì nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trang khan hàng, thiếu hàng hóa hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế sau bão”. Do đó, người dân không chủ quan và không hoang mang về bão lũ, không cần đổ xô đi thu gom, tích trữ nhiều thực phẩm trong gia đình.

Minh Nghĩa

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khong-lo-lang-nguon-cung-ung-thuc-pham-phong-bao-lu-3175396.html