Không nên mở rộng quy định phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội

Thảo luận ở tổ sáng nay (8-6) về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc xây dựng chế định gồm các biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt đối với người chưa thành niên vì cho rằng, đây là tính nhân văn, nhân đạo của đạo luật này.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội cho ý kiến có 11 chương 173 điều. Luật này quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước thảo luận tại tổ với các tỉnh Bình Thuận, Hòa Bình, Yên Bái

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước thảo luận tại tổ với các tỉnh Bình Thuận, Hòa Bình, Yên Bái

Đại biểu Vũ Ngọc Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia rất tiến bộ trong việc tiếp cận người chưa thành niên phạm tội. Do đó, những chính sách hiện hành trong Bộ Luật hình sự và tố tụng hình sự cơ bản cũng đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, theo phương hướng tiếp cận về các điều ước quốc tế cũng như nghiên cứu mới về người chưa thành niên, việc có một luật độc lập, quy định về tội phạm và hình phạt cũng có rất nhiều chế định riêng cũng cần thiết.

Đại biểu Vũ Ngọc Long góp ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Đại biểu Vũ Ngọc Long góp ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Về việc mở rộng các trường hợp người chưa thành niên được áp dụng xử lý chuyển hướng, đại biểu Vũ Ngọc Long, thống nhất mở rộng, đặc biệt là một số nội dung liên quan đến hình phạt tại gia hay đeo vòng điện tử vào người. Trong điều kiện công nghệ và nhận thức hiện nay thì việc áp dụng này là cần thiết, bảo vệ tốt hơn cho người chưa thành niên phạm tội.

Hệ thống giam giữ, đôi khi tính chất phòng ngừa chung là tốt, răn đe người khác không phạm tội. Tuy nhiên, ở góc độ phòng ngừa riêng đối với cá nhân, với người chưa thành niên đó do nhận thức sai, dẫn tới phạm tội mà khi chúng ta giam giữ thì sẽ chuyển thành một nhận thức khác đi, ảnh hưởng lớn đến việc hòa nhập sau này.

Đại biểu Vũ Ngọc Long

Về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên, đại biểu Vũ Ngọc Long đề nghị không nên quy định mở rộng thêm việc phạt tiền. Việc phạt tiền chỉ áp dụng đối với những người chưa thành niên có tài sản, còn không không cho phép người lớn nộp thay.

“Truyền thống Việt Nam là khá chiều chuộng con cái, nếu không may con em nào đó phạm tội thì phần lớn cha mẹ sẵn sàng, dù là khó khăn bao nhiêu cũng có thể bỏ tiền ra nộp phạt để không phải bị giam giữ. Về phòng ngừa riêng thì tốt nhưng phòng ngừa chung là không đảm bảo. Nhận thức người chưa thành niên chưa tới, bây giờ cứ tiền mà giải quyết được thì không có tác dụng trong cái giáo dục chung”, đại biểu Vũ Ngọc Long cảnh báo.

Đối với việc tách vụ án hình sự, ý kiến đề nghị tách vụ án có trẻ vị thành niên ra thành một vụ án độc lập rồi giam giữ riêng thì rất nhân văn và tiến bộ. Theo đại biểu Vũ Ngọc Long, trong điều kiện ở Việt Nam khó áp dụng bởi vì các nhà giam, nhà tạm giữ cũng đang khó khăn, quá tải về án. Bây giờ cứ có một người chưa thành niên chúng ta tách ra thành vụ án riêng, thiết lập một hệ thống nhà tạm giữ, nhà cải tạo riêng là không khả thi.

Đại biểu Vũ Ngọc Long cho rằng, khi không tách vụ án người chưa thành niên và cũng không tách trại giam riêng thì một loạt chế định có thể thu gọn lại. Bởi Luật Tư pháp người chưa thành niên có đến 11 chương 173 điều quá lớn và quá kỳ vọng.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/158604/khong-nen-mo-rong-quy-dinh-phat-tien-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi