Không sợ đầu tư nhiều, chỉ sợ đầu tư kém hiệu quả

Việc đề xuất mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã nêu một loạt các giải pháp tổng thể. Trong đó, theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), yếu tố quyết định lớn nhất để tăng trưởng cao hơn là phải thúc đẩy được đầu tư và triển khai các dự án kịp thời, hiệu quả.

Nguồn: Chính phủ. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Chính phủ. Đồ họa: Phương Anh

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ mức 8% trở lên mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp này? Theo ông, cần có những giải pháp nào khác so với các giải pháp đã đề ra từ Kỳ họp thứ 8 để chúng ta đạt mục tiêu mới này?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Tất nhiên Chính phủ đã cân nhắc các yếu tố để đạt được mục tiêu này, khả thi thì mới trình ra Quốc hội. Qua nghiên cứu kịch bản Chính phủ trình, Quốc hội cũng đồng tình.

Giải ngân được vốn đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, yếu tố quyết định lớn nhất trong thúc đẩy tăng trưởng cao hơn là phải triển khai các dự án hiệu quả, giải ngân được vốn đầu tư công và đưa nguồn lực vào nền kinh tế trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Về giải pháp thì các giải pháp được nêu cơ bản đã tổng thể, bao trùm rồi, gồm cả những giải pháp đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và bổ sung một số giải pháp mới. Nhìn chung thì vẫn là tập trung vào các trụ cột tăng trưởng, thúc đẩy các trụ cột đó để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Ví dụ như xuất khẩu, chúng ta đang có những thuận lợi về yếu tố thị trường, địa chính trị, nhất là những thị trường trọng điểm hiện nay đang phục hồi rất tốt. Các lĩnh vực, ngành nghề lợi thế của chúng ta thì tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu rất tốt.

Bên cạnh đó, một loạt chính sách kích cầu tiêu dùng đang phát huy tác dụng. Thời gian tới, các kênh tiêu dùng, kể cả tiêu dùng của người dân và Chính phủ cũng có triển vọng phục hồi, nếu như chúng ta tiếp tục giữ được các yếu tố, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức hợp lý thì khả năng phục hồi tiêu dùng sẽ tốt hơn thế

Và yếu tố đặc biệt quan trọng là đầu tư. Vừa qua, Quốc hội đã quyết một loạt các dự án đầu tư quy mô lớn và Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo giải ngân đầu tư công, đưa lượng vốn vào nền kinh tế cũng như đẩy mạnh tín dụng ngân hàng để bơm vốn cho thị trường. Từ đó tạo ra động lực rất lớn để tăng trưởng đầu tư.

PV: Nói về thúc đẩy đầu tư, thực tế để đầu tư một dự án mới thì riêng thủ tục đã hết cả năm. Nên có ý kiến cho rằng, cần phải rà soát, xử lý các dự án đang vướng mắc, chậm tiến độ, lãng phí để tái khởi động ngay trong năm nay. Ông nghĩ thế nào về giải pháp này?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Đó đúng là giải pháp nằm trong tổng thể các giải pháp mà Chính phủ đã trình và triển khai, tới đây sẽ làm quyết liệt hơn. Các dự án chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí đang được rà soát tích cực để thu hồi hoặc tháo gỡ vướng mắc, đưa vào triển khai. Để làm được như vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội nhiều cơ chế chính sách đặc thù trong thẩm quyền Quốc hội quyết định để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Bên cạnh đầu tư công, để thúc đẩy đầu tư tư nhân thì chúng ta cũng đang hoàn thiện hệ thống luật pháp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai dự án tốt hơn, nhanh hơn.

PV: Tiêu dùng là một trong các động lực quan trọng cho tăng trưởng. Nhưng giải quyết bài toán cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng như thế nào, thưa ông?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Muốn thúc đẩy tiêu dùng thì phải có tích lũy. Đây là một cân đối lớn trong nền kinh tế phải giải quyết hài hòa, không thể thúc đẩy tiêu dùng quá mức nhưng cũng phải đẩy mạnh đầu tư. Để cân bằng 2 yếu tố này, ở tầm vĩ mô thì bên cạnh việc phối hợp linh hoạt, hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, thì ngân sách của chúng ta tích quỹ bao nhiêu, đầu tư bao nhiêu, tiêu dùng bao nhiêu, phân bổ vào các lĩnh vực như thế nào phải được tính toán cân đối hợp lý.

Với chính sách tiền tệ cũng vậy, đây là một công cụ điều tiết vĩ mô rất quan trọng để làm sao điều hướng các luồng tiền của người dân, tổ chức đi vào những lĩnh vực hiệu quả, tránh rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng. Muốn như vậy, trước hết phải giữ được ổn định vĩ mô, đảm bảo giá trị đồng tiền, giữ được lạm phát ở mức hợp lý. Lạm phát mà cao quá thì người dân lại đổ xô đi đầu cơ, vào các lĩnh vực như bất động sản hay vàng chứ không vào sản xuất.

Tóm lại, để giải quyết bài toán cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng thì vẫn quay trở lại với việc phải giữ được ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Điều này, chúng ta đã có các định hướng, chính sách cụ thể.

PV: Để tăng trưởng cao hơn, Chính phủ cũng đề cập đến một số giải pháp mới về nới lỏng tài khóa, nới lỏng tiền tệ. Nhìn từ thực tiễn trong quá khứ, theo đại biểu, có vấn đề nào phải lưu ý khi thực hiện những giải pháp này?

Đại biểu Trần Văn Lâm: Để thúc tăng trưởng thì phải nới chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, bao gồm cả cho đầu tư công, tín dụng ngân hàng và cả các kênh khác nữa. Chính phủ đã đề xuất các giải pháp để thúc đẩy đầu tư, cả công và tư. Khi đầu tư lượng tiền lớn như vậy sẽ tạo ra tăng trưởng và lan tỏa tới nhiều lĩnh vực khác cùng tăng lên.

Nhưng quan trọng nhất của đầu tư không phải là đầu tư bao nhiêu mà là hiệu quả thế nào. Như vậy, khâu then chốt chính là chất lượng các dự án, công trình, hiệu quả phát huy sau khi đầu tư. Nếu các khoản đầu tư này hiệu quả, mang lại lợi ích thực sự và lâu dài thì sẽ tạo ra tăng trưởng bền vững. Còn nếu đầu tư vào các dự án kém hiệu quả, sau này không phát huy được lợi ích cho xã hội, thì đó trở thành sự lãng phí, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế cả hiện tại và trong tương lai, đó mới là đáng sợ, nó sẽ kìm hãm tăng trưởng trong lâu dài.

Như vậy chúng ta không nên sợ đầu tư nhiều mà chỉ sợ đầu tư kém hiệu quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nâng đầu tư công lên khoảng 36 tỷ USD trong năm 2025

Sáng 19/2, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên (cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%).

Theo Đề án, Chính phủ đề xuất tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 đạt 8% trở lên; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%. Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 là tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên; dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên. Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Các động lực tăng trưởng gồm: tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD); trong đó đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD (tăng thêm 1 tỷ USD), FDI khoảng 28 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỷ USD.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khong-so-dau-tu-nhieu-chi-so-dau-tu-kem-hieu-qua-170734-170734.html