Không tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm được đánh giá là cải cách thể chế đột phá, thể hiện thay đổi căn bản trong tư duy về quản lý Nhà nước.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4- 15/5 trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm sẽ có tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp ngành thực phẩm cũng như thay đổi cách thức quản lý của nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định được đánh giá là cải cách thể chế đột phá, thể hiện thay đổi căn bản trong tư duy về quản lý Nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Đánh giá về những tác động của Nghị định 15/2018/NĐ-CP sau thời gian thực hiện, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Các cơ quan thực thi và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những thay đổi của Nghị định 15/2018/NĐ-CP và kỳ vọng điều này sẽ tạo tiền lệ tốt cho cải cách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Những thay đổi của Nghị định 15/2018/NĐ-CP có thể kể đến như: Quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa; bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra; cải cách toàn diện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu; phân cấp, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, trùng lặp; tạo sự linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Chính nhờ đó, doanh nghiệp tiết giảm được về thời gian, chi phí và giảm rủi ro; có thêm cơ hội đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp ngành thực phẩm tăng lên nhanh chóng; tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho hàng chục triệu lao động; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế. Điển hình như với quy định cho phép tự công bố sản phẩm trong số doanh nghiệp được CIEM khảo sát, trung bình mỗi doanh nghiệp tiết kiệm được 602,5 triệu đồng/năm.

Với 12.000 doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm thì quy định này giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí rất lớn, chưa tính tới các doanh nghiệp thương mại, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm. Còn việc bãi bỏ thời hạn Bản tự công bố theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, trung bình tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp hơn 310 triệu đồng/năm.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động hậu kiểm được tăng cường và thực hiện thường xuyên hơn. Cơ quan Hải quan được giảm tải áp lực thông quan; thời gian giải phóng hàng nhanh, đáp ứng yêu cầu thông quan theo các cam kết quốc tế.

Quầy hàng thực phẩm tại WinMart. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Quầy hàng thực phẩm tại WinMart. Ảnh: Khánh Vy/BNEWS

Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đem lại hiệu quả về kinh tế, nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, đưa việc quản lý đến gần hơn với thông lệ quốc tế, phù hợp với mô hình quản lý tiên tiến của nhiều quốc gia; giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp hội nhập.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, tuy có nhiều nội dung cải cách tích cực, song Nghị định 15/2018/NĐ-CP vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Đơn cử, quy định chưa rõ ràng, cụ thể trong cách thức xác định tỷ lệ lô hàng nhập khẩu trong trường hợp áp dụng phương thức kiểm tra; thực thi thiếu nhất quán đối với trường hợp sản phẩm là mẫu thử nghiệm; còn thiếu các quy định về đăng ký các thực phẩm nhập khẩu có chứa phụ gia mới…

Theo đại diện CIEM, ở một số cơ quan địa phương vẫn có hiện tượng cán bộ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung giấy tờ nhiều lần, thậm chí có những yêu cầu nằm ngoài quy định. Nghị định còn thiếu các quy định về đăng ký các thực phẩm nhập khẩu có chứa phụ gia mới.

Đại diện Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị cần thay đổi tư duy và phương thức quản lý Nhà nước trong xây dựng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp theo hướng chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp, từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, chính sách cần có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, cụ thể.

Như vậy mới tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế để doanh nghiệp trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, cần duy trì và phát huy những cải cách của Nghị định 15/2018/NĐ-CP; nghiên cứu áp dụng nhân rộng cách tiếp cận quản lý này sang các lĩnh vực quản lý nhà nước khác. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước chú trọng hoạt động hậu kiểm; giám sát và nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong hoạt động thực thi; đảm bảo thực hiện nghiêm túc trên tinh thần hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, chấm dứt tình trạng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định hoặc đưa ra yêu cầu chung chung, thiếu rõ ràng.

Đặc biệt, không đề xuất hay ban hành mới các quy định tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật không cần thiết cho doanh nghiệp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể của Nghị định 15/2018/NĐ-CP. “Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, sự ổn định của chính sách và những thay đổi thể chế theo hướng thúc đẩy tự do và an toàn kinh doanh là điều cần thiết”, TS. Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khong-tao-them-ganh-nang-chi-phi-cho-doanh-nghiep/329956.html