Không thể áp dụng một giải pháp chung

Chuyên gia giao thông Vũ Hồng Trường – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, đối với hạ tầng giao thông tĩnh của Hà Nội, không thể áp dụng một giải pháp chung cho tất cả mà phải phân chia thành nhiều khu vực…

Giải bài toán hạ tầng giao thông tĩnh tại Hà Nội:

Một điểm trông giữ xe của Công ty TNHH MTV Tùng Linh. Ảnh: KTĐT

Một điểm trông giữ xe của Công ty TNHH MTV Tùng Linh. Ảnh: KTĐT

Theo Quyết định số 1218/QĐ-UBND ngày 8/4/2022 của UBND TP Hà Nội, tổng số bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch là 1.620 điểm. Tuy nhiên, hiện mới có 72 bãi đỗ xe theo quy hoạch đang khai thác sử dụng, 66 điểm đang triển khai đầu tư. Sở Giao thông vận tải đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ xe cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích 37.985m2.

Theo báo cáo chưa đầy đủ (mới có 17/30 địa phương thống kê) thì UBND các quận, huyện, thị xã đã cấp phép sử dụng tạm thời hè đường, lòng đường để trông giữ xe tại 422 điểm với diện tích 93.300m2.

Theo số liệu thống kê, hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông (với hệ thống đường bộ, giao thông tĩnh) còn thấp so với quy chuẩn đô thị lớn nhất là đô thị đặc biệt. Chẳng hạn, với Hà Nội cần 20-25% diện tích đất xây dựng đô thị trung tâm dành cho diện tích đất giao thông, nhưng đến nay mới chỉ đạt gần 12%. Riêng về giao thông tĩnh cần 3-4% diện tích, song đến nay chỉ đạt 0,4%.

Vì thiếu hụt quỹ đất giao thông tĩnh, trong khi phương tiện cá nhân bằng ô tô tăng lên từng ngày, nên nhiều người tận dụng đủ mọi chỗ để làm bãi gửi xe.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, chỉ từ đầu năm 2024 đến nay, riêng lực lượng Thanh tra giao thông và liên ngành Cảnh sát trật tự Công an TP Hà Nội đã xử lý trên 250 trường hợp vi phạm về trông giữ phương tiện. Các vi phạm phổ biến là chiếm dụng lòng đường vỉa hè,các khu vực bãi trống, đất dự án để tổ chức trông giữ xe trái phép…

Mới đây, một số quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã đề xuất cho phép đưa quỹ đất trống làm bãi trông giữ phương tiện tạm thời để giải quyết nhu cầu của người dân tuy nhiên hiện chưa có cơ chế quản lý, khai thác.

Tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện đang tạo nên áp lực rất lớn, đặc biệt cho mạng lưới giao thông tĩnh. Việc tạm thời sử dụng một phần hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ xe hiện nay chỉ là phương án, giải pháp tạm thời để đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân trong khi các bãi đỗ xe chưa được đầu tư theo quy hoạch.

Đáng lo ngại nhất là vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân. Đây là một trong những căn nguyên trực tiếp góp phần gia tăng áp lực về giao thông. Dễ thấy nhất, hiện Hà Nội cần đạt 30-35% nhu cầu đi lại trong đô thị trung tâm, song đến nay, dù đã có nhiều loại hình giao thông công cộng song mới chỉ đạt 20% nhu cầu.

Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn tiếp tục rà soát Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch bảo đảm tỷ lệ đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt 12-15%...

Hay việc tận dụng sử dụng gầm cầu làm bãi đỗ xe là giải pháp tận dụng không gian không sử dụng để giảm bớt tình trạng thiếu hụt bãi đậu xe như hiện nay. Trong khi diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội cũng như một số thành phố lớn khác đang thiếu hụt và nếu thực hiện được, có thể giải bài toán vi phạm trật tự đô thị, thông qua việc giảm thiểu tình trạng chiếm dụng vỉa hè và lề đường để đậu xe, làm thông thoáng đường xá.

Theo chuyên gia giao thông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, đối với hạ tầng giao thông tĩnh của Hà Nội, không thể áp dụng một giải pháp chung cho tất cả mà phải phân chia thành nhiều khu vực, gồm: khu vực hiện nay đã phát triển và tới đây hạn chế phát triển; những khu vực giữ ổn định; và những khu vực phát triển mới. Đối với khu vực hạn chế phát triển, TP Hà Nội cần hạn chế đỗ xe, có thể áp dụng phí đỗ xe cao.

Đặc biệt là phố cổ, phố cũ của Hà Nội phải song song tăng cường phương tiện công cộng để giải quyết tốt nhu cầu đi lại của người dân và điều chỉnh giá phí đỗ xe lên cao để hạn chế phương tiện cá nhân. Đối với khu vực ổn định nên đầu tư nhiều hình thức giao thông tĩnh như bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng dạng tháp.

Còn đối với khu vực phát triển mới nhất thiết phải áp dụng tiêu chuẩn về giao thông tĩnh đối với một đô thị văn minh hiện đại; hạn chế áp dụng phí mà chuyển sang giá dịch vụ trông giữ xe để thu hút nguồn lực xã hội vào đầu tư hạ tầng góp phần giải quyết bài toán về giao thông đô thị.

Theo Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển GTVT Phạm Hoài Chung, để phát triển hệ thống giao thông tĩnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, Hà Nội nên công khai việc thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư đối với các bến bãi xã hội hóa để huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội. TP Hà Nội cũng cần tiếp tục tổ chức xây dựng, ban hành cơ chế chính sách nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm thiểu lượng phương tiện và ùn tắc giao thông.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khong-the-ap-dung-mot-giai-phap-chung-384478.html