'Không thể đổ cho cơ chế, vì cơ chế cũng là do con người làm ra'

Các đại biểu đề xuất sớm có chính sách tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để giải quyết vấn đề vướng mắc bấy lâu nay, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Tại phiên thảo luận tổ chiều 31/5, góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) quan tâm đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án. Theo bà, những năm qua, đây là vấn đề khiến không ít dự án hạ tầng giao thông chậm tiến độ, gây đội vốn, dang dở, trở thành lô cốt, nút thắt trên đường...

“Nhiều nhà đầu tư, nhà thầu phải kiệt quệ vì phải chờ đợi hoặc không hoàn thành dự án. Nhiều dự án khởi công nhưng sau đó không thể triển khai do chưa giải phóng xong mặt bằng. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu, nhân công, các quy định của pháp luật liên tục có sự thay đổi, đến khi dự án được khởi động lại thì đội vốn hoặc có các vấn đề phát sinh khác,” đại biểu nêu vấn đề.

Từ thực tế trên, đại biểu Âu Thị Mai đồng tình với việc giao cho tỉnh Nghệ An thực hiện tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công. Tuy nhiên theo bà, không chỉ Nghệ An mà nhiều địa phương khác cũng vướng mắc vấn đề này khi thực hiện dự án và đề nghị Quốc hội xem xét có chính sách tháo gỡ.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất Quốc hội sớm luật hóa việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; tạo động lực mới cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đẩy nhanh các dự án trọng điểm.

Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang).

Đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang).

Đồng ý với đại biểu Âu Thị Mai, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng việc tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng là cần thiết. Vừa qua, Chính phủ cũng cho biết sẽ tổng kết nội dung này, báo cáo, xin chủ trương và đề xuất với Quốc hội.

“Nếu bây giờ luật hóa sẽ rất lâu. Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2024 yêu cầu phải có dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Vì vậy, tôi đề xuất Quốc hội có một nghị quyết về vấn đề này, triển khai đồng thời khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực,” ông Quảng nêu ý kiến, đồng thời nhận định vấn đề khó nhất hiện nay vẫn là câu chuyện về trình tự, thủ tục.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy thì phản ánh một thực tế rất rõ, đó là "các địa phương muốn phát triển đều phải xé rào". "Vậy thì cần phải xem lại cách xây rào của mình. Trong bối cảnh hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, rõ ràng không thể tránh khỏi những quy định khi thực hiện mới bắt đầu bộc lộ những bất cập, trong khi quy trình sửa luật không đơn giản một chút nào,” bà Thúy nói.

Về lâu dài, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội góp ý cần tính đến việc sửa "luật làm luật", đó là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nữ đại biểu phân tích, trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình tự, thủ tục ở các luật khác đa phần giao cho Chính phủ quy định. Chính trình tự thủ tục đó đôi khi làm mất đi cơ hội, nhất là trong lĩnh vực đầu tư.

“Quốc hội phải sớm có nghị quyết về lĩnh vực đất đai, tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư và thời điểm áp dụng chính sách này nên cùng với thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực,” bà Thúy đề xuất.

Bà Thúy cũng cho rằng việc đưa Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực không khó. “Tôi cho rằng nếu chúng ta quyết tâm thì vẫn làm được chứ không thể đổ cho cơ chế, vì cơ chế cũng là do con người làm ra,” nữ đại biểu nêu quan điểm.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khong-the-do-cho-co-che-vi-co-che-cung-la-do-con-nguoi-lam-ra-post35248.html