Không vay nợ tổ chức tài chính nhưng bị gọi điện, nhắn tin nhắc nợ thì làm thế nào?
Chị Hạnh ở Đồng Nai cho biết, chị không có khoản vay tại công ty tài chính X nhưng liên tục nhận các cuộc gọi, tin nhắn với nội dung yêu cầu chị tác động anh Huy trả nợ (anh Huy là bạn chị Hạnh, là người đang vay tiêu dùng tại công ty này và chậm thanh toán khoản nợ). Chị Hạnh đặt câu hỏi hành vi của công ty tài chính kia có vi phạm pháp luật không?
Trả lời:
Điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định: “đ) Biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 05 (năm) lần/01 (một) ngày, hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 (bảy) giờ đến 21 (hai mươi mốt) giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật;”.
Điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/01/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định “2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:… b) Vi phạm quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.”.
Như vậy, theo quy định pháp luật, công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính. Nếu vi phạm, công ty tài chính có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.