Không xáo trộn

Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội (Nghị quyết 63) - yêu cầu, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn.

Ảnh minh họa Internet

Ảnh minh họa Internet

Vì vậy, việc Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch thực hiện điều chỉnh môn học này trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cần thiết, bảo đảm hợp lý, khoa học và hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Xét trên tổng thể kết cấu toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông mới, khi Lịch sử là môn bắt buộc cũng không làm xáo trộn hoặc ảnh hưởng tới các phân môn khác. Nói như GS.TS Đỗ Thanh Bình - Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Lịch sử bộ sách Cánh Diều, với điều chỉnh này, căn bản chương trình mới ổn định. Thậm chí, không gây ảnh hưởng hay cần phải chỉnh sửa gì trong chương trình môn Lịch sử ở cấp THCS. Những nội dung nào ở cấp THCS đã được học thì sẽ được cắt bỏ ở cấp THPT.

Theo phân tích của các chuyên gia và trường THPT, khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn Lịch sử. Bởi kế hoạch điều chỉnh môn học này của Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.

Theo đó, đối với các môn lựa chọn, nhà trường xây dựng tổ hợp 4 môn học lựa chọn (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Với phương án điều chỉnh đang dự thảo như trên, chương trình cấp THPT đối với mỗi học sinh giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn Lịch sử). Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành, các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường mình để điều chỉnh giảm 1 môn học trong tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng thời gian qua.

Song, có một điều chắc chắn là, dù môn Lịch sử có được thiết kế như thế nào thì vẫn nhằm mục đích phát triển năng lực, phẩm chất và giáo dục truyền thống, phát triển nhân cách cho học sinh. Theo đó vai trò của thầy, cô giáo vô cùng quan trọng. Hơn bao giờ hết, các thầy, cô cần nói không với hình thức “thầy đọc, trò chép”. Thay vào đó, cần tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy: Thầy chủ đạo, còn trò chủ động tham gia vào bài giảng.

Ngoài ra, giáo viên có thể linh hoạt tổ chức dạy học dưới hình thức hoạt động cặp đôi, theo nhóm… Qua đó, tạo ra sự tương tác giữa thầy với trò và trò với trò. Nếu được, giáo viên có thể tổ chức chuỗi các hoạt động dạy - học Lịch sử… Có như vậy, những tiết dạy - học Lịch sử sẽ trở nên sinh động, hiệu quả và mang lại giá trị cao.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khong-xao-tron-post601285.html