Khu công nghiệp sinh thái: Động lực xanh cho công nghiệp bền vững
Phát triển khu công nghiệp sinh thái và sản xuất sạch hơn là xu thế tất yếu, góp phần tối ưu tài nguyên, giảm phát thải thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững.
Hành trình xây dựng các khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam
Tại Việt Nam, xu thế phát triển khu công nghiệp xanh hoặc khu công nghiệp sinh thái và thúc đẩy sản xuất sạch hơn đang trên đà phát triển. Trong số 290 Khu công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, chỉ có khoảng 1-2% trong số đó đang thực hiện các bước trở thành khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh. Tuy nhiên, con số này vẫn tiếp tục tăng lên.

Một công ty may mặc ở Hưng Yên tham gia chương trình cải thiện điều kiện làm việc, tiết giảm nước và tái sử dụng nguyên nhiên vật liệu .Ảnh: Vân Anh
Những khu công nghiệp sinh thái tập trung vào phát triển công nghiệp bền vững bằng cách tích hợp các cân nhắc về môi trường vào thiết kế và vận hành. Khu công nghiệp sinh thái nhằm mục đích giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đồng thời tối đa hóa hiệu quả tài nguyên và tăng trưởng kinh tế. Việc áp dụng các công nghệ và thực hành sản xuất sạch hơn trong các khu công nghiệp đã mang lại những lợi ích đáng kể.
Chẳng hạn, chương trình thí điểm khu công nghiệp sinh thái do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam (nay là Bộ Tài chính) triển khai tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng từ năm 2015 đã đạt được những kết quả nhất định.
Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thí điểm đã tiết kiệm trên 6,5 triệu USD/năm nhờ áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và tiết kiệm tài nguyên (RECP). Công nghệ sạch đã giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguyên liệu thô, năng lượng và nước. Tổng nhu cầu tránh được hàng năm bao gồm trên 22.000 MWh điện và trên 600.000 m 3 nước ngọt. Dự án đã góp phần giảm 32 nghìn tấn khí thải CO2 hàng năm.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định số 35/2022/ND-CP quy định việc quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Nghị định này đưa ra các hướng dẫn về phát triển khu công nghiệp sinh thái trên phạm vi cả nước.
Nhìn chung, định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái và sản xuất sạch hơn phù hợp với các mục tiêu bền vững toàn cầu đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm và có tư duy tiến bộ trong phát triển công nghiệp.
Doanh nghiệp tiên phong sản xuất sạch, tối ưu tài nguyên
Theo bà Nguyễn Trâm Anh, Quản lý Dự án Quốc gia, Ban kinh tế tuần hoàn và Công nghiệp bền vững (Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc - UNIDO) cho biết, phát triển xanh khu công nghiệp xanh giúp doanh nghiệp tối ưu tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội, góp phần vào công nghiệp bền vững.
Đơn cử như tại Nhà máy Thép Đà Nẵng, để tiết kiệm điện, nhà máy đã triển khai các giải pháp như lắp skylight, thông gió tự nhiên giảm dùng đèn, quạt, điều hòa; Chuyển đèn cao áp sang LED, bổ sung tấm lợp lấy sáng; Lắp biến tần tối ưu tiêu thụ điện động cơ…

Công ty CP Đầu tư PPJ Thành Châu (TP. Hồ Chí Minh) báo cáo với Đoàn công tác của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Bộ Công Thương về công tác tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất. Ảnh: ĐCK
Cùng với đó là các giải pháp tái sử dụng nguyên nhiên vật liệu như: Tuần hoàn dung dịch HCl, thu hồi hơi ngưng tụ tái sử dụng; Lọc, tái dùng dầu cán (tăng tuổi thọ từ 3 tháng lên 2 năm) và dầu thủy lực; Tăng cường quản lý nguyên liệu/phế phẩm bằng công nghệ thông tin, mã vạch; Tái sử dụng sản phẩm lỗi cho các công đoạn khác…
Đối với các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, Nhà máy Thép Đà Nẵng đã tiến hành bảo ôn đường ống hơi nhằm giảm thất thoát nhiệt, tái sử dụng nước thông qua việc nước thải sau khi được xử lý trung hòa sẽ được tái sử dụng cho công tác phòng cháy chữa cháy.
Kết quả, nhà máy đã tiết kiệm được khoảng 1, 516 tỷ đồng/năm thông qua tiết kiệm được 190 MWh điện, 500 m³ nước, khoảng 886 tấn than, tái sử dụng 2.733 tán phế liệu… qua đó giúp giảm phát thải 4,33 tấn CO2e.
Còn tại Nhà máy Nam châm đất hiếm (TP. Hải Phòng) theo báo cáo của UNIDO, để thực hiện kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, đối với giải pháp tiết kiệm điện, nhà máy đã thay thế máy nén khí cũ bằng máy trục vít mới; giảm cài đặt áp suất phân phối cho máy nén khí; tăng cường làm sạch và bảo trì bộ lọc máy nén khí; tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng.
Đối với các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nhà máy đã tăng cường cách nhiệt bề mặt nóng của hệ thống lò hơi cũng như tối ưu hóa áp suất vận hành lò hơi, tái sử dụng nước cũng như sửa chữa rò rỉ hơi nước và lắp đặt các bẫy hơi để hạn chế rò rỉ.
Với các giải pháp trên, trung bình mỗi năm Nhà máy Nam châm đất hiếm (TP. Hải Phòng) đã tiết kiệm được 1,6 tỷ đồng nhờ tiết kiệm 469 MWh điện, 722 m³ nước, tiết kiệm nhiên liệu là 16,56 tấn LGP, qua đó giảm phát thải 1.887 tấn CO2e.
Cũng theo báo cáo của UNIDO, với các giải pháp kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, tổng tiết kiệm từ sản xuất công nghiệp và các hoạt động đô thị tại các khu công nghiệp sinh thái như: DEEP C, AMATA, Hiệp Phước đã mang lại hiệu quả rất ấn tượng.
Việc tái sử dụng chất thải của doanh nghiệp này làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác tại các khu công nghiệp sinh thái hiện nay theo ước tính mỗi năm đã giúp giảm tiêu thụ nước, đồng thời lượng nước thải của các khu công nghiệp giảm 1.095.000 m³, lượng điện tiêu thụ giảm 1.367.000 kWh và lượng phát thải khí nhà kính giảm 106.577 tấn CO₂eq.

Khu công nghiệp sinh thái Deep C tiên phong trong sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Thu Hường
Một ví dụ tiêu biểu là mô hình tái sử dụng bột thải từ quá trình mài kính để san lấp mặt bằng tại Khu công nghiệp DEEP C. Mỗi năm, Tập đoàn Flat Glass, hoạt động trong khu công nghiệp này, thải ra khoảng 3.000 tấn bột mài kính. Trong khi đó, Khu công nghiệp DEEP C có nhu cầu lớn, cần tới 2 triệu tấn vật liệu phục vụ san lấp. Nhờ được cấp đầy đủ giấy phép và hoàn thiện các thủ tục pháp lý, toàn bộ 3.000 tấn chất thải rắn nói trên đã được tái sử dụng thay vì đem đi chôn lấp, góp phần tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Theo tính toán, tại khu công nghiệp DEEP C, với 11 cơ hội và chi phí đầu tư ban đầu là gần 10 triệu USD, chi phí vận hành 931.530 USD/năm, lợi nhuận mang lại cho đơn vị quản lý vận hành khu công nghiệp là 2,032 triệu USD mỗi năm.
Hay tại khu công nghiệp AMATA, với 9 cơ hội, chi phí ban đầu là 14.370.994 USD/năm chí phí vận hành 566.117/năm, lợi nhuận 4.190.687 USD/năm. Đơn cử như mô hình Công ty PepsiCo ( nằm trong khu công nghiệp AMATA) đã cho Công ty Năng lượng Xanh thuế đất và doanh nghiệp này tái chế 60.000 tấn chất thải sinh khối như trấu, vỏ dừa, gỗ thải… của PepsiCo để cung cấp hơi nước bão hòa cho PepsiCo qua đó giúp giảm 16.156 tấn CO₂ mỗi năm…
Giải pháp thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp sinh thái
Theo bà bà Nguyễn Trâm Anh, hiện mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được Luật hóa tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP và TT 05/2025/TT-BKHĐT cũng như được lồng ghép trong nhiều văn bản pháp luật như Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành ngày 23/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều đó cho thấy, chính sách cho hình thành và phát triển khu công nghiệp sinh thái ngày càng đầy đủ hoàn thiện. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, qua đó nhận thức và năng lực của các bên liên quan đến khu công nghiệp sinh thái ngày càng dược nâng cao.
Tuy nhiên theo bà Trâm Anh, mặc dù vậy các khu công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức và rào cản trong việc tái sử dụng chất thải, nước và năng lượng tại tạo.
Cụ thể, hạ tầng không đáp ứng được yêu cầu của khu công nghiệp sinh thái; thiếu đồng bộ trong kết nối, chia sẻ thông tin, thiếu sự tin tưởng trong hợp tác chia sẻ cơ sở hạ tầng… đó còn chưa kể đến chi phí đầu tư ban đầu cao, doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận tài chính xanh.

Việc chuyển đổi khu công nghiệp thường sang khu công nghiệp sinh thái cần lộ trình chuyển đổi, tài chính và công nghệ.
Do vậy theo bà, để chuyển đổi khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng lộ trình chuyển đổi, nâng cao nhận thức, hỗ trợ tài chính, thúc đẩy đổi mới công nghệ,
“Đối với phát triển và thành lập khu công nghiệp sinh thái mới cần có quy hoạch và phát triển khu công nghiệp sinh thái dựa trên lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện; Tuân theo nguyên tắc sinh thái công nghiệp và cộng sinh công nghiệp; gắn với quy hoạch công nghiệp, không gian, sử dụng đất, đầu tư và tài chính”- bà Trâm Anh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Trâm Anh, cần xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái 4.0 trong đó tập trung kết nối, tự động hóa, tích hợp sản xuất với công nghệ số và dữ liệu lớn; Áp dụng cộng sinh công nghiệp với quản lý dữ liệu số hóa; Tối ưu tài nguyên, năng lượng và quy trình ra quyết định trong sản xuất; Kết hợp con người và máy móc để nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành.