Trường Đại học Quy Nhơn mở rộng đào tạo lĩnh vực bán dẫn, AI và an ninh mạng
Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Gia Lai) vừa công bố kế hoạch tuyển sinh các ngành và chuyên ngành mới năm 2025, tập trung vào 3 lĩnh vực: Công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và an toàn-an ninh mạng. Đây là bước đi chiến lược nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên.

Trường đại học Quy Nhơn công bố thông tin tuyển sinh ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng.
Dẫn đầu xu thế
Nằm trong định hướng của Chính phủ về phát triển ngành bán dẫn, đã chủ động triển khai chuyên ngành mới như: Kỹ thuật điện tử-viễn thông, Vật lý kỹ thuật, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin. Những ngành học này tập trung đào tạo kiến thức nền tảng về vật liệu bán dẫn, kỹ thuật chế tạo chip, công nghệ MEMS và quy trình sản xuất hiện đại.
Đây là một trong số ít chương trình đào tạo bán dẫn tại Việt Nam có tích hợp thực hành công nghệ, hướng tới cung cấp đội ngũ kỹ sư đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các khu công nghiệp công nghệ cao, các nhà máy R&D trong nước và khu vực.
Tiến sĩ Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo đại học (Trường đại học Quy Nhơn) thông tin, theo Quyết định 1731/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định (cũ) phê duyệt đề án ngành công nghiệp bán dẫn, từ nay đến năm 2030, chúng tôi đặt mục tiêu đào tạo khoảng 7.500 kỹ sư thuộc các lĩnh vực nêu trên. Trong đó, 4.000 kỹ sư thuộc ngành công nghiệp bán dẫn, 2.000 kỹ sư trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ AI ứng dụng, 1.000 kỹ sư trong lĩnh vực an toàn và an ninh mạng, bảo mật hệ thống.
Ngoài đào tạo mới, đề án cũng chú trọng nâng cao năng lực nguồn nhân lực sẵn có, bằng cách bồi dưỡng chuyên môn, chuyển ngành, đào tạo lại cho đội ngũ đang hoạt động trong các ngành có liên quan.
“Trong khuôn khổ đề án, chúng tôi cũng sẽ tuyển sinh và đào tạo nhiều chương trình liên thông, chuyển đổi chuyên ngành cho sinh viên đang theo học các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, vật lý… để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động một cách linh hoạt”, Tiến sĩ Lê Xuân Vinh cho biết.

Năm 2025 là bước chuyển hướng mạnh mẽ của Trường đại học Quy Nhơn trong đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực chiến lược như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng.
Không chỉ triển khai các ngành học bắt kịp xu thế công nghệ, Đại học Quy Nhơn còn xây dựng hệ sinh thái học tập kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước.
Thông qua các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, công viên phần mềm và các tổ chức khởi nghiệp, sinh viên có cơ hội được học tập trong môi trường sát thực tế, đồng thời tiếp cận sớm với các nền tảng công nghệ mới nhất trong ngành.
Để bảo đảm chất lượng đào tạo và năng lực ứng dụng của người học, nhà trường đầu tư mở rộng phòng thí nghiệm công nghệ cao, xây dựng trung tâm AI ứng dụng và phát triển hệ thống thực hành trực tuyến, qua đó giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.
Đồng thời, nhà trường triển khai chương trình cố vấn học thuật, kết nối chuyên gia, tổ chức các kỳ thực tập quốc gia và quốc tế, góp phần định hướng nghề nghiệp và phát triển năng lực liên ngành cho sinh viên ngay từ năm đầu tiên.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Để tạo điều kiện học tập thuận lợi, Trường đại học Quy Nhơn áp dụng nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho sinh viên theo học các ngành trên như: Học bổng và hỗ trợ tài chính, đặc biệt đối với sinh viên vùng sâu, vùng xa, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học lực giỏi.
Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được tạo điều kiện thực tập tại các doanh nghiệp, hợp tác với các công ty công nghệ, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, khu công nghiệp công nghệ cao. Qua đó, giúp sinh viên sớm tiếp cận môi trường làm việc thực tế.
Nhà trường cũng tổ chức các chương trình nghiên cứu sinh viên, cuộc thi học thuật, sáng tạo AI giúp sinh viên phát triển kỹ năng toàn diện. Ngoài ra, nhà trường cũng hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp để xây dựng lộ trình phát triển nhân lực, mô hình học tập-thực hành-khởi nghiệp theo đúng chuẩn quốc tế.

Trường áp dụng nhiều chính sách ưu đãi dành riêng cho sinh viên theo học các ngành trên.
Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Quy Nhơn chia sẻ, sau hơn 47 năm hình thành và phát triển, Đại học Quy Nhơn đã trở thành một cơ sở giáo dục đại học có uy tín tại khu vực miền trung-Tây Nguyên và cả nước.
Hiện nay, nhà trường có quy mô đào tạo gồm 51 ngành bậc đại học, 28 ngành sau đại học với đội ngũ gần 500 cán bộ giảng viên, trong đó hơn 81% có trình độ tiến sĩ, nhiều thầy cô là giáo sư, phó giáo sư, nhà giáo ưu tú. Trong những năm qua, nhà trường đã đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ phục vụ khu vực mà còn đóng góp cho sự phát triển quốc gia.
Năm 2025 là năm đặc biệt khi nhà trường được lãnh đạo tỉnh Gia Lai mới tin tưởng giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng. Đây không chỉ là trách nhiệm mới, mà còn là cơ hội để nhà trường khẳng định vai trò trong triển khai các chiến lược phát triển gắn với nhu cầu thực tiễn.
Không chỉ giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao, địa phương còn hỗ trợ nhà trường qua việc đầu tư 100 tỷ đồng phát triển hạ tầng công nghệ cao, hỗ trợ thiết lập trung tâm thực nghiệm, đồng hành truyền thông và kết nối doanh nghiệp.
“Có thể nói, hiếm có cơ sở giáo dục đại học nào nhận được sự tin tưởng và hỗ trợ trực tiếp, liên tục và ở quy mô lớn như Trường đại học Quy Nhơn đang có. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là trách nhiệm rất lớn. Chúng tôi cam kết nỗ lực tối đa cùng các ban, ngành, doanh nghiệp, các trường đại học trong hệ thống để hiện thực hóa các đề án phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong giai đoạn tới”, Tiến sĩ Đinh Anh Tuấn khẳng định.
Với lợi thế có khu đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam, , Tổ hợp Không gian khoa học và Thung lũng Sáng tạo đang hình thành, Trường đại học Quy Nhơn có vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái tri thức miền trung.
Việc mở ngành công nghệ bán dẫn, AI và an ninh mạng không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quốc gia, mà còn góp phần xây dựng lực lượng lao động chiến lược cho chuỗi giá trị số, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo quốc gia trong thời gian tới.