Khu công nghiệp Việt 'xanh hóa' đón nhà đầu tư nước ngoài mới
Các nhà đầu tư nước ngoài góp ý Việt Nam cần có những văn bản pháp quy quy định rõ các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển xanh.
Nhiều giải pháp để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo tiêu chuẩn xanh được các chuyên gia nêu ra tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) 2024: “Xanh hóa đón sóng đầu tư mới” lần thứ tư do Báo Đầu tư vừa tổ chức tại TP.HCM.
Nhà đầu tư cần hướng dẫn rõ ràng
Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam cho biết, vấn đề xanh hóa được đặt ra trong 5 năm trước chỉ là vấn đề được cân nhắc để làm thì bây giờ là điều bắt buộc phải làm. Các nhà đầu tư đã có lộ trình rõ ràng và có những dự án đạt tiêu chuẩn xanh.
Do đó, từ phía khối công, cần có những hướng dẫn rõ ràng và nhanh chóng để nhà đầu tư biết được rằng những thay đổi đó có ý nghĩa gì để họ ra quyết định đầu tư. Nếu phải đợi 1-2 năm nữa thì các nhà đầu tư sẽ đi tới các nước khác, lúc này Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp phát triển.
Theo bà Trang Lê, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu thử nghiệm mô hình công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, việc đưa các mô hình công nghiệp sinh thái vào thực tiễn sẽ còn nhiều khó khăn. Hiện chưa có nhiều hỗ trợ về tài chính cho các nhà đầu tư.
Việc chuyển đổi xanh tốn kém ở giai đoạn đầu, cần có sự hỗ trợ nhất định để đưa mô hình xanh hóa đi vào thực tiễn. Hiện nay chủ yếu xuất phát từ khối tư, nhưng để nhận rộng thì không phải ai cũng đủ nguồn lực.
“Tiếp đến là những chính sách, hiện vẫn chưa có những quy định chuyên sâu, cụ thể. Cần phải có những cái này thì mới có thể dễ dàng đưa mô hình công nghiệp sinh thái vào thực tiễn được”- bà Trang Lê góp ý.
Ông Paul Tonkes, Phó giám đốc điều hành khối bất động sản công nghiệp, Công ty Indochina Kajima Development (ICCK, chủ đầu tư chuỗi dự án Core5) cho rằng dòng vốn đầu tư mới đang đòi hỏi các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp chuyển đổi theo hướng xanh hóa.
Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và các dòng vốn đầu tư mới, các khách thuê ngày càng có những yêu cầu cao hơn về hệ thống nhà kho, nhà xưởng.
Hiện thực hóa mục tiêu phát triển xanh, ESG, giúp tiết kiệm chi phí, bổ sung tiện ích, bù trừ thuế phát thải, rộng cửa cho việc xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao.
Một điểm khác, phản ánh từ các khách thuê cho thấy, năng lượng là một vấn đề lớn rất được quan tâm. Với bối cảnh hiện nay thì điện mặt trời áp mái là một giải pháp tốt.
Góp ý về chính sách, ông Paul Tonkes cho rằng, cần có những văn bản pháp quy quy định rõ các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển xanh, bền vững. Từ đó khiến các nhà đầu tư nắm bắt được định hướng, tự tin hơn cho các dự án của mình và thực hiện chuyển đổi.
Thu hút đầu tư có chọn lọc ngành Al, bán dẫn
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện Chính phủ đang quyết liệt tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các mảng liên quan đến ngành mới như bán dẫn, Al, công nghệ cao, Chính phủ đều thành lập các tổ công tác để trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư.
Theo ông Chung, xu hướng hiện nay là chuyển từ trạng thái thu hút đầu tư sang hợp tác đầu tư nước ngoài để cùng nhau phát triển, cùng hưởng thành quả.
Dù có nhiều tín hiệu lạc quan trong việc thu hút đầu tư ngành bán dẫn nhưng ông Chung lưu ý việc chuyển sang thu hút FDI chất lượng cao có chọn lọc, đặt ra thách thức cho các Ban quản lý các khu công nghiệp cần nâng cao chất lượng như: quy mô phải lớn hơn, hạ tầng đồng bộ hiện đại hơn, đảm bảo môi trường xanh hơn... Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà phát triển khu công nghiệp.
Năm 2023, FDI duy trì tốc độ tăng 34%, trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng gần 11 % so với cùng kỳ năm 2023, góp phần để Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn, là cơ hội “vàng” cho thị trường bất động sản công nghiệp.
Một nội dung nữa cần lưu ý là giá dịch vụ khu công nghiệp cần giữ ở mức hợp lý, bởi nếu cứ tăng giá thì đến lúc nào đó khả năng cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng.
Nói về giải pháp tăng cường thu hút ngành bán dẫn, ông Chung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ xây dựng cơ chế thu hút đầu tư có chọn lọc liên quan đến ngành Al, bán dẫn.
Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định thành lập quản lý quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó có cơ chế ưu đãi cho ngành bán dẫn. Ngoài ra, nguồn quỹ này cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phục vụ cho các ngành mũi nhọn của Việt Nam.
Theo ông Chung, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các chính sách ưu đãi hiện nay để tập trung vào những ngành trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm. Khi các chính sách ưu đãi này được Quốc hội thông qua sẽ hỗ trợ nguồn lực cho thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng đến năm 2030, sẽ có 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái. Trong đó, 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.