Khu Nam TPHCM chuyển mình: Hàng loạt dự án giao thông nghìn tỷ sắp triển khai

Hàng loạt dự án trọng điểm như trục Nguyễn Hữu Thọ, cầu - đường Bình Tiên, cầu Cần Giờ, cầu Cát Lái và tuyến đường trên cao kết nối với sân bay Long Thành sắp được khởi công, mở ra không gian phát triển cho khu Nam (TPHCM) trong thời gian tới.

TPHCM đang bước vào một giai đoạn phát triển mới sau khi mở rộng địa giới hành chính, với kỳ vọng hình thành một “đô thị đặc biệt” năng động và bứt phá. Cùng với quá trình này, hệ thống hạ tầng giao thông cũng chứng kiến những chuyển động mạnh mẽ, với hàng loạt dự án chiến lược được lên kế hoạch khởi công, mở rộng hoặc tăng tốc triển khai.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về định hướng và bước đi cụ thể trong giai đoạn chuyển mình này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM (gọi tắt là Ban Giao thông).

Thưa ông, TPHCM đang bước vào giai đoạn phát triển mới sau sáp nhập. Hạ tầng giao thông sẽ đóng vai trò thế nào trong giai đoạn này?

Hạ tầng giao thông chính là nền tảng để mở ra không gian phát triển mới. Chúng tôi đánh giá giai đoạn 2026 - 2030 sẽ là thời kỳ tăng tốc mạnh mẽ của hệ thống giao thông kết nối vùng tại TPHCM mới. Việc hoàn thiện các trục giao thông chiến lược không chỉ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn là tiền đề để tái cấu trúc đô thị, lan tỏa động lực tăng trưởng.

 Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TPHCM. Ảnh: Hữu Huy

Thành phố đang tập trung vào những tuyến đường nào trong chiến lược phát triển liên kết vùng?

Hiện nay, Ban Giao thông phối hợp với Sở Xây dựng TPHCM và các đơn vị liên quan đang tập trung đẩy nhanh các dự án trọng điểm. Tuyến Vành đai 3 TPHCM dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025 đang được ưu tiên tối đa để kịp tiến độ.

Ngay sau đó, chúng tôi đặt mục tiêu khởi công tuyến Vành đai 4 TPHCM trong năm 2026. Bên cạnh đó, 5 trục cao tốc hướng tâm cũng đang đồng loạt triển khai, bao gồm: TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Mộc Bài và TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Trong đó, cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ khởi công vào tháng 9 tới, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đã khởi công từ tháng 2 năm nay và các cao tốc còn lại đang lên kế hoạch nâng cấp, mở rộng.

 Phối cảnh một đoạn cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Ảnh: Ban Giao thông TPHCM

Phối cảnh một đoạn cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Ảnh: Ban Giao thông TPHCM

Theo ông, yếu tố nào sẽ tạo đột phá trong triển khai các dự án hạ tầng trong giai đoạn tới?

Điểm rất thuận lợi là khi các địa phương đã hợp nhất, ranh giới địa giới hành chính không còn là rào cản như trước đây trong việc điều chỉnh vốn, phối hợp thi công hay quản lý dự án. Đây là một lợi thế lớn về cơ chế, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ các công trình liên vùng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Với khu vực phía Nam, TPHCM sẽ có chiến lược phát triển hạ tầng như nào để tạo sự cân bằng trong sự phát triển chung?

Nếu nhìn tổng thể, có thể thấy các cửa ngõ phía Đông và Tây Bắc của TPHCM đã và đang có nhiều dự án hạ tầng lớn được triển khai thì khu vực cửa ngõ phía Nam - vùng đất đầy tiềm năng cũng đang chứng kiến làn sóng đầu tư hạ tầng mạnh mẽ.

Trước mắt là cải tạo, nâng cấp trục đường Lê Văn Lương vốn là tuyến kết nối quan trọng với tỉnh Long An cũ (nay là tỉnh Tây Ninh). Song song đó, TPHCM thay thế bốn cây cầu sắt cũ trên tuyến đường này bằng cầu bê tông cốt thép kiên cố.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng và phát triển trục đường Nguyễn Hữu Thọ để hình thành trục Bắc - Nam mới cho thành phố, đóng vai trò kết nối từ trung tâm đến khu vực cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Bên cạnh đó, dự án cầu - đường Bình Tiên sắp được khởi công tạo thành hành lang kết nối đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và cũng là một phần trong mạng lưới đường Vành đai 3 TPHCM.

Cầu Cần Giờ sẽ được khởi công trong tương lai gần nhằm kết nối trực tiếp khu vực phía Nam thành phố với Cần Giờ, tạo động lực mới cho phát triển du lịch và đô thị sinh thái tại đây.

 Phối cảnh dự án cầu Cần Giờ.

Phối cảnh dự án cầu Cần Giờ.

Một trục đường trên cao nối khu Nam thành phố với sân bay Long Thành cũng đang được nghiên cứu triển khai nhằm rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho các tuyến hiện hữu. Cầu Cát Lái sau khi được khởi công sẽ kết nối khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) với Nhà Bè (TPHCM), tạo thêm một hướng kết nối liên vùng rất quan trọng.

Cuối cùng, một trục động lực mới nối TPHCM – Tây Ninh – Đồng Tháp song song với quốc lộ 50 cũng đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Tất cả những công trình này sẽ được tập trung triển khai và phấn đấu hoàn thành trong 5 năm tới, đưa khu Nam thành phố vươn lên ngang tầm với các khu vực phát triển khác, khai mở tiềm năng đô thị hóa và thu hút đầu tư.

Cảm ơn ông.

Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khu-nam-tphcm-chuyen-minh-hang-loat-du-an-giao-thong-nghin-ty-sap-trien-khai-post1759883.tpo