Khu vực Mỹ Latinh và Caribe: Quay cuồng trong cuộc chiến chống đói nghèo
Khu vực Mỹ Latinh và Caribe, vốn đã chật vật đối phó với đại dịch Covid-19 trong hai năm qua, giờ đây phải đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ của nạn đói nghèo và vấn đề di cư. Theo báo cáo mới công bố của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL), tình trạng nghèo cùng cực ở Mỹ Latinh đã tăng trở lại vào năm 2021, lên tới 86 triệu người, tụt hậu gần 30 năm trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Theo báo cáo thường niên “Bức tranh toàn cảnh xã hội của Mỹ Latinh và Caribe” của CEPAL, làn sóng Covid-19 kéo dài khiến tỷ lệ nghèo cùng cực ở Mỹ Latinh (thu nhập dưới 1,9 USD/ngày/ người) đã tăng từ 13,1% vào năm 2020 lên 13,8% vào năm 2021. Điều này có nghĩa là số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực đã tăng từ 81 triệu lên 86 triệu người. Đây là con số cao nhất ghi nhận trong 27 năm qua, trong khi tỷ lệ nghèo đói ước tính đã giảm nhẹ, từ 33% xuống 32,1%, tương đương 201 triệu người.
Thư ký điều hành CEPAL Alicia Bárcena nhận định, quá trình phục hồi kinh tế năm 2021 không đủ để Mỹ Latinh và Caribe giảm thiểu những tác động nghiêm trọng mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với xã hội và thị trường lao động. Bà A.Bárcena dẫn các số liệu cho thấy các khoản trợ cấp xã hội đã giảm từ hơn 89 tỷ USD năm 2020 xuống còn khoảng 45,3 tỷ USD trong năm 2021, đồng thời kêu gọi duy trì mức hỗ trợ này trong năm nay hoặc “đến khi cuộc khủng hoảng y tế được kiểm soát”.
Năm 2021, để giảm thiểu tác động của đại dịch, chính phủ các nước Mỹ Latinh đã thực hiện một loạt các biện pháp hỗ trợ người lao động, song song với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Tuy vậy, tỷ lệ người lao động có việc làm vẫn chưa đạt được mức trước đại dịch, đặc biệt ở nữ giới. Bên cạnh bất bình đẳng giới trong cơ hội việc làm và thu nhập, tại Mỹ Latinh còn tồn tại khoảng cách nghèo đói ở khu vực nông thôn, người dân tộc bản địa và trẻ em. CEPAL nhấn mạnh rằng, sự phục hồi kinh tế sẽ không bền vững trừ khi cuộc khủng hoảng y tế được kiểm soát, đồng thời cảnh báo Mỹ Latinh và Caribe là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi đại dịch Covid-19.
Tính đến nay, khu vực này có số người tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới với gần 1,6 triệu người và con số này được dự đoán đang có xu hướng leo thang do biến chủng Omicron gia tăng ở một số quốc gia như Mexico, Argentina, Peru, Chile. Tuy 62,3% dân số Mỹ Latinh và Caribe (khoảng 408 triệu người) đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng vắc xin phòng Covid-19 vẫn chưa được phân bổ đồng đều trong khu vực. Số liệu của CEPAL cho thấy ngoại trừ Chile, Cuba, Uruguay, Argentina, Ecuador đạt 70% dân số tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ này ở hơn một nửa số quốc gia chỉ ở mức dưới 50%. Do đó, CEPAL kêu gọi cần hành động mạnh mẽ hơn để đến giữa năm 2022, tất cả các quốc gia trong khu vực sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số.
Bên cạnh đó, sau hai năm đóng cửa hầu hết các tuyến đường bộ ở Nam Mỹ vì đại dịch Covid-19, một số quốc gia đã tuyên bố mở lại biên giới. Trong bối cảnh Mỹ Latinh được dự báo sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trên toàn cầu vào năm 2022, cũng như bạo lực và bất ổn chính trị đang diễn ra ở Colombia, Haiti, Venezuela, các hoạt động mở cửa trở lại biên giới này dự kiến sẽ thúc đẩy làn sóng di cư mạnh hơn nữa. Sau Syria, Venezuela là quốc gia có số lượng người di cư lớn nhất thế giới (hơn 6 triệu người).
Lo ngại nghèo đói và bất bình đẳng sẽ ngày càng gia tăng tại khu vực Mỹ Latinh, Tiến sĩ Carissa F. Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) nhận định: Nếu muốn chấm dứt nạn đói nghèo, mang lại cuộc sống sung túc cho người dân ở Mỹ Latinh, trước hết phải chuyển đổi hệ thống nông nghiệp để cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh, không để ai bị bỏ lại phía sau.