Khủng hoảng bất động sản có nguy cơ kéo dài ở Trung Quốc
Rất có thể người dân Trung Quốc sẽ bắt đầu ưu tiên mua những căn nhà đã hoàn thiện hoặc nhà cũ, yếu tố có thể tác động xấu tới doanh nghiệp bất động sản. Gần 50 triệu căn nhà dang dở
Bloomberg Intelligence ước tính Trung Quốc hiện có ít nhất 48 triệu căn nhà đã được bán nhưng chưa hoàn thiện. Thông tin này báo hiệu cuộc khủng hoảng bất động sản chưa thể đi đến hồi kết.
Gần 50 triệu căn nhà dang dở
48 triệu căn nhà dang dở - nhiều hơn cả tổng cung nhà ở của Đức trong năm 2021 - là mối đe dọa trực tiếp tới doanh thu của các nhà phát triển bất động sản. Có thể người mua nhà sẽ bắt đầu tránh các dự án mới và lựa chọn những căn nhà đã được hoàn thiện hoặc nhà cũ.
Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho biết tổng diện tích nhà đã hoàn thiện đang thấp hơn 8,4 tỷ m2 so với doanh số bán ra từ năm 2000 đến nửa đầu năm 2024, tương ứng tỷ lệ 38%.
Trước năm 2015, trung bình tỷ lệ nhà chưa hoàn thiện tại Trung Quốc vào khoảng 15% doanh số mỗi năm. Con số tăng vọt lên 47% trong giai đoạn 2015 - 2023.
Sở thích của người mua nhà Trung Quốc đang có sự thay đổi lớn. Năm 2023 đánh dấu lần đầu tiên doanh số những căn nhà sẵn có tại Trung Quốc tính theo diện tích vượt qua nhà mới. Những căn nhà đã hoàn thiện chiếm 27% doanh số bán nhà trong nửa đầu năm 2024, cao hơn hẳn mức 10% ghi nhận trong cả năm 2021.
Dữ liệu gần đây cho thấy phân khúc bất động sản dân cư của Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 7 bất chấp các nỗ lực hỗ trợ của chính phủ.
Gói giải cứu không tạo hiệu ứng mạnh
Dữ liệu sơ bộ từ China Real Estate Information Corp cho thấy, doanh thu bán nhà mới của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm 19,7% so với một năm trước đó xuống khoảng 279 tỷ nhân dân tệ (tương đương 38,6 tỷ USD), nhanh hơn mức giảm 17% của tháng 6. Khối lượng giao dịch trong tháng 7 cũng thấp hơn 36,4% so với tháng 6.
Trong khi đó, các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn đang phải trông chờ vào doanh số bán nhà để thuyết phục chủ nợ rằng họ có khả năng thanh toán, tránh nguy cơ bị buộc phải thanh lý tài sản, tờ Bloomberg cho hay.
Diễn biến thực tế cho thấy gói giải cứu gần đây không tạo ra được hiệu quả như kỳ vọng. Ước tính chương trình tái cấp vốn trị giá 42 tỷ USD của ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ có thể giúp các chính quyền địa phương mua 0,8% trong số 60 tỷ căn nhà chưa bán được.
Tâm lý của người mua nhà cũng bị tổn thương vì các nhà hoạch định chính sách không thông báo các biện pháp hỗ trợ quyết liệt hơn tại Hội nghị Trung ương 3 của Trung Quốc.
Ngành bất động sản tiếp tục đè nặng lên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Có khả năng Trung Quốc sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024, theo Bloomberg Economics.