Khủng hoảng lương thực
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét vừa cảnh báo, hàng trăm triệu người trên thế giới có thể đối mặt 'tình trạng khẩn cấp toàn cầu về lương thực' khi đại dịch Covid-19 đe dọa chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Hiện có hơn 820 triệu người đang ở trong tình trạng thiếu ăn, trong khi khoảng 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, tương đương hơn 20% số trẻ em toàn cầu, mắc chứng còi cọc. Dự báo năm nay, sẽ có thêm khoảng 49 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực do dịch Covid-19.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét vừa cảnh báo, hàng trăm triệu người trên thế giới có thể đối mặt “tình trạng khẩn cấp toàn cầu về lương thực” khi đại dịch Covid-19 đe dọa chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu. Hiện có hơn 820 triệu người đang ở trong tình trạng thiếu ăn, trong khi khoảng 144 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, tương đương hơn 20% số trẻ em toàn cầu, mắc chứng còi cọc. Dự báo năm nay, sẽ có thêm khoảng 49 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực do dịch Covid-19.
Chương trình Lương thực thế giới của LHQ (WFP) mới đây cảnh báo, dịch Covid-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người bị mất an ninh lương thực khẩn cấp từ 135 triệu người năm 2019 lên tới 265 triệu người vào cuối năm 2020. Theo WFP, tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp là tình trạng thiếu lương thực khiến cuộc sống hoặc sinh kế của một người gặp nguy hiểm ngay lập tức. Điều này nghiêm trọng hơn tình trạng thiếu ăn trong nhiều năm - khái niệm định nghĩa việc một người không thể tiêu thụ đủ thực phẩm để duy trì cách sống năng động, bình thường.
WFP cảnh báo, số lượng người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” tại khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê có thể tăng gấp bốn lần trong năm nay. Cụ thể, năm 2019, khu vực này có 3,4 triệu người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng”, nhưng do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, con số này có thể lên tới 13,7 triệu người vào cuối năm.
Trong khi đó, Tổ chức phi chính phủ Hành động chống đói nghèo (AAH) cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể khiến khu vực Mỹ la-tinh có thêm 29 triệu người nghèo đói trong năm nay. Một quan chức của AAH nêu rõ: “Tại một khu vực mà cứ ba người, có một người ở trong tình trạng mất an ninh lương thực ngay cả trước khi dịch Covid-19 hoành hành, thì tỷ lệ suy thoái kinh tế 5% và mức tăng tỷ lệ thất nghiệp thêm 11% do tác động của dịch Covid-19 sẽ đẩy khu vực này rơi vào cuộc khủng hoảng quy mô nhất trong vòng một thế kỷ trở lại đây”.
Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9-6 đánh giá nền kinh tế thế giới có thể hồi phục khoảng 4% vào năm 2021, nhưng số người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ vẫn không thay đổi. Theo báo cáo của WB, số người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực có thể tăng trong năm nay từ 70 triệu người lên 100 triệu người do tác động kinh tế của đại dịch Covid-19, so với con số ước tính từ 40 triệu đến 60 triệu người vào tháng 4 vừa qua. Sự gia tăng đó đe dọa xóa đi những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây trong cuộc chiến chống đói nghèo và có thể làm thất bại mục tiêu chấm dứt nghèo đói cùng cực vào năm 2030. Báo cáo lưu ý rằng Ni-giê-ri-a, Ấn Độ và CHDC Công-gô là ba quốc gia mà WB tin rằng chiếm hơn 30% số người nghèo nhất trên thế giới.
Nhiều nước ở Trung Đông và châu Phi cũng đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Thủ tướng Li-băng H.Đi-áp mới đây đã cảnh báo về nguy cơ đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra tình trạng khẩn cấp an ninh lương thực ở Li-băng mà cả trên quy mô toàn cầu. Ông cho rằng cần phản đối các hành động nhằm hạn chế xuất khẩu lương thực, đồng thời kêu gọi Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) thành lập một quỹ khẩn cấp để giúp Trung Đông tránh một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Theo ông, nếu không có biện pháp kịp thời, nạn đói có thể gây ra một làn sóng di cư mới sang châu Âu và sẽ khiến khu vực này mất ổn định hơn.
Y-ê-men vốn đã bị đẩy đến bờ vực nạn đói do cuộc chiến kéo dài 5 năm, nay khoảng 80% dân số Y-ê-men hiện phải sống dựa vào cứu trợ và hàng chục triệu người đang đối mặt nạn đói. LHQ cho biết, Y-ê-men cùng với Xy-ri và Xu-đăng, nằm trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất tại Trung Đông về an ninh lương thực. Các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan đã ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng nhân đạo ở Trung Đông.
Nếu thế giới không hành động ngay lập tức, tình trạng khẩn cấp về lương thực toàn cầu có thể gây ra những hệ lụy lâu dài cho hàng trăm triệu người, bao gồm trẻ em. Để đẩy lùi nguy cơ nạn đói, cộng đồng quốc tế cần lập tức hành động để duy trì chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu được thông suốt. Chính phủ các quốc gia, nhất là các quốc gia kém phát triển, nên thực hiện chính sách trợ cấp xã hội, phân phối lương thực để bảo đảm đời sống của người dân. Mặt khác, cộng đồng quốc tế cần đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến trợ giúp xã hội, cứu trợ lương thực và thực phẩm cho người dân tại các quốc gia nghèo vốn đã rất khó khăn ngay từ khi dịch bệnh chưa bùng phát. Các chính phủ cũng cần nhanh chóng đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khuyến khích khu vực tư nhân hỗ trợ các công ty chế biến nông sản và nông nghiệp...