Khủng hoảng năng lượng không bỏ quên nước Mỹ, lỗi tại ông Biden?

Chỉ là giá xăng tăng cao hay nước Mỹ đã rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng? Trong bối cảnh đó, Tổng thống Joe Biden đã bị chỉ trích vì quan điểm của ông đối với ngành công nghiệp dầu mỏ. Ông có thực sự phải chịu trách nhiệm về giá xăng tăng cao trong nền kinh tế số 1 thế giới hay không?

Khủng hoảng năng lượng không bỏ quên nước Mỹ, lỗi tại ông Biden? (Nguồn: FT)

Khủng hoảng năng lượng không bỏ quên nước Mỹ, lỗi tại ông Biden? (Nguồn: FT)

Các đối thủ chính trị của Tổng thống Biden nói rằng, chính sách về năng lượng của ông đang làm tổn thương các nhà sản xuất dầu Mỹ. Chưa đầy 100 ngày nữa, cuộc bầu cử giữa kỳ của nước Mỹ sẽ bắt đầu, các ứng viên tiềm năng đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc đua tìm ghế trong Quốc hội.

Nhằm giành lại quyền kiểm soát, đảng Cộng hòa đang tăng cường các “cuộc tấn công” vào chính sách khí hậu của đảng Dân chủ và Tổng thống Biden.

"Vũ khí tấn công" của phe Cộng hòa

Trong các bình luận công khai và cả các cuộc trò chuyện riêng tư, các nhà lập pháp và chiến lược gia của đảng Cộng hòa dường như đang tập trung vào thông điệp khí hậu và năng lượng mà họ sẽ sử dụng như đòn tấn công đối thủ, trước cuộc bầu cử vào tháng 11 này.

Họ đang “đóng khung” các chính sách nhằm giảm lượng khí thải như là một nguyên nhân gây ra tình trạng giá xăng dầu tăng cao như hiện nay ở nước Mỹ; cũng là nguyên nhân dẫn đến lạm phát, hay như một hình thức đánh thuế đối với những người Mỹ đang làm việc.

“Chúng tôi đang gặp khủng hoảng và đó không phải là cuộc khủng hoảng khí hậu. Đó là một cuộc khủng hoảng năng lượng", Thượng nghị sĩ John Barrasso nói với các phóng viên vào tuần trước.

Trên thực tế, ngành năng lượng Mỹ đang tận hưởng một trong những giai đoạn thịnh vượng nhất với giá dầu và khí đốt cao, giúp ngành này đạt mức tăng trưởng thu nhập ba con số trong quý II vừa qua. Trước đây, chính quyền Tổng thống Biden đã từng phản đối mạnh mẽ việc các công ty trong nước phát triển sản xuất dầu truyền thống, nổi tiếng với vụ thu hồi giấy phép dự án đường ống Keystone XL, ngay khi ông Biden bước chân vào Phòng Bầu dục.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Uraine, ngành dầu mỏ Mỹ sau nhiều năm không đầu tư, lại bị đặt vào thị trường nhu cầu tăng cao, dẫn đến thị trường năng lượng thắt chặt bất thường, giá dầu thô và nhiên liệu vì thế cao vọt. Tình hình đã buộc chính quyền Tổng thống Biden phải quay ngoắt 180 độ đối với chính sách năng lượng của mình.

Cuối tuần trước, Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ đã tổ chức một sự kiện về thỏa thuận khí hậu, ngay sau khi Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Charles Schumer và Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin ráo riết thúc đẩy việc đưa ra bỏ phiếu gói dự luật trị giá 370 tỷ USD, cho các biện pháp an ninh năng lượng và khí hậu, nằm trong “Dự luật Giảm lạm phát”.

Dự luật Giảm lạm phát là một ưu tiên chủ chốt đối với các nghị sỹ Dân chủ và Tổng thống Joe Biden trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ, diễn ra vào tháng 11 tới để giành quyền kiểm soát Quốc hội.

Gói dự luật giảm lạm phát có thể được bỏ phiếu trong vài ngày tới, mặc dù vẫn còn một loạt rào cản cần phải giải quyết, trước khi nó được đưa tới bàn của Tổng thống Joe Biden.

Đảng Dân chủ khẳng định, hiệu quả giảm thâm hụt ngân sách của dự luật trên sẽ giúp xoa dịu áp lực lạm phát. Họ ca ngợi đây là một trong những khoản đầu tư vào năng lượng sạch lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó có thể giúp thực hiện những lời hứa của đương kim Tổng thống Biden về mục tiêu chuyển đổi năng lượng và cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của quốc gia trong 7 năm tới.

Trong khi đó, các nghị sỹ Cộng hòa nhận định, dự luật này sẽ không thể làm giảm lạm phát. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng, dự luật trên chỉ làm giảm việc làm, tiền lương, thu nhập sau thuế của người Mỹ, cũng như làm tăng giá năng lượng...

Bởi vậy, phe Cộng hòa coi đây là cơ hội để chỉ trích đối thủ của họ là những kẻ tiêu tiền liều lĩnh khi lạm phát gia tăng.

Kể từ khi dự luật được giới thiệu vào tuần trước, đảng Cộng hòa và các phương tiện truyền thông bảo thủ đã công kích “Đạo luật Giảm lạm phát” giống như cách họ "tấn công" các chính sách khí hậu khác, cho rằng, nó sẽ làm tăng thuế và tăng giá.

Như cách Thượng nghị sĩ Mike Crapo nói với giới truyền thống: “Cách tiếp cận của đảng Dân chủ đối với cải cách thuế có nghĩa là tăng thuế đối với những người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình để tài trợ cho Chính sách Xanh mới thuộc đảng phái của họ.

Dự luật là một phiên bản đơn giản của "Kế hoạch Xây dựng lại tốt hơn" (Build Back Better Plan) mà ông Biden đã đặt ra trong những ngày đầu nắm quyền.

Luật trước đây đề xuất chi khoảng 550 tỷ USD cho các chương trình khí hậu và năng lượng. Gói mới nhất này sẽ bù đắp 370 tỷ USD chi tiêu cho khí hậu và năng lượng, bằng cách thu hẹp lỗ hổng thuế của các tập đoàn lớn, nâng mức thuế tối thiểu lên 15%.

Khoản chi mới cũng bao gồm hàng tỷ USD cho chính sách năng lượng hỗ trợ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, bao gồm tiền để làm sạch khí thải metan, tài trợ thu giữ carbon và đảm bảo cho thuê dầu khí trên các khu đất công.

Khí hậu bị xếp ở gần cuối các ưu tiên bầu cử

Cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump Kellyanne Conway, cho rằng đảng Dân chủ phải đối mặt với một vấn đề là "các cử tri không xem xét chính sách khí hậu một cách độc lập". Tỷ lệ lạm phát cao cho phép đảng Cộng hòa nói về chính sách khí hậu như một vấn đề tiêu cực ròng, trong cuộc sống của người dân. Giá xăng tăng cao đang khiến cuộc sống của nhiều người không đủ khả năng chi trả.

“Sẽ rất khó khăn để thuyết phục mọi người rằng, họ phải chi trả thêm một số khoản vì biến đổi khí hậu, bởi vì họ còn đang phải cố gắng để trang trải cuộc sống, chi trả cho các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như thực phẩm và nhiên liệu.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến giá khí đốt cao, cùng với đó là lạm phát toàn cầu, nhu cầu năng lượng phục hồi hậu Covid-19 và sự chần chừ của các nhà đầu tư vào các công ty năng lượng hỗ trợ sự bùng nổ sản xuất. Các chuyên gia năng lượng cho rằng, giá năng lượng vẫn có nhiều khả năng tăng.

Các nhà tư vấn năng lượng cho chính phủ Mỹ cũng đang bám sát kế hoạch của Tổng thống Biden nhằm mục tiêu đưa lưới điện quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn tài nguyên tái tạo như gió và năng lượng mặt trời.

David Bernhardt, cựu Bộ trưởng Nội vụ của Tổng thống Trump, trong một cuộc phỏng vấn mới đây đã đưa ra phân tích rằng, người Mỹ hiện đang lo ngại về một số vấn đề. Và chắc chắn một trong những điều đó là giá năng lượng tăng cao.

"Thật tệ khi có những chính sách không thể có sẵn một giải pháp thay thế. Vì vậy, tôi nghĩ họ đang cố gắng để tìm ra một giải pháp, nhưng chắc chắn hệ quả của việc đi theo hướng đó cũng cần phải xem xét", ông bình luận.

Kể từ đầu năm, các nhà lập pháp đã đổ lỗi việc giá năng lượng tăng vọt là do "lỗi" điều hành của Tổng thống Biden, đã giết chết đường ống Keystone XL, vốn sẽ đưa dầu từ Canada đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Đường ống này sẽ không được đưa vào sử dụng sớm nhất cho đến năm sau.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa vẫn chưa tán thành bất kỳ một chính sách khí hậu nào có thể thúc đẩy việc giảm lượng khí thải với tốc độ mà các nhà khoa học cho là cần thiết để tránh một số tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, điều đó chẳng hề ảnh hưởng đến các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử, vì một số cuộc thăm dò cho thấy, hầu hết các cử tri đều xếp hạng khí hậu ở gần cuối các ưu tiên bầu cử của họ.

Mặc dù vậy, sự phản đối của đảng này đối với các chính sách khí hậu có thể khiến các ứng cử viên đối thủ gặp rủi ro trong các cuộc đua gay cấn, tại các bang có tính quyết định.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, các cử tri trẻ, bao gồm một bộ phận người bảo thủ, ngày càng muốn các nhà lập pháp làm nhiều hơn về vấn đề khí hậu. Theo khảo sát của Pew Research công bố vào tháng trước, gần một nửa số đảng viên đảng Cộng hòa từ 18 đến 29 tuổi muốn chính phủ làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Do đó, các đảng viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đưa ra các chính sách tập trung vào việc trồng nhiều cây hơn và đầu tư vào các tiến bộ công nghệ để giảm lượng khí thải, cũng như tăng sản lượng dầu khí trong nước, cho rằng nó có ít khí thải hơn, so với nhiên liệu do các nước khác sản xuất. Nhưng đảng Cộng hòa đã không đề xuất ý tưởng cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Vẫn còn phải xem, liệu đảng Dân chủ có thể thông qua “Đạo luật Giảm lạm phát” hay không. Nhưng cuộc thăm dò sớm cho thấy, Dự luật đang nhận được sự ủng hộ khá rộng rãi, bao gồm cả những cử tri độc lập - những người có thể đóng một vai trò quan trọng trong mùa bầu cử Mỹ lần này.

Tất nhiên, ngoài phe Cộng hòa vẫn có những người ra mặt phản đối, thậm chí một số phương tiện truyền thông bảo thủ đã coi “Đạo luật Giảm lạm phát” là một loại thuế đánh vào chính người Mỹ và là nguyên nhân làm tăng thêm lạm phát, dù dự luật cam kết giảm thâm hụt tới 300 tỷ USD.

(theo E&E News)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khung-hoang-nang-luong-khong-bo-quen-nuoc-my-loi-tai-ong-biden-193280.html