Khủng hoảng ngành y tế Hàn Quốc chưa có dấu hiệu kết thúc

Cuộc khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc vẫn tiếp diễn mà không có dấu hiệu hạ nhiệt trong bối cảnh các bác sĩ tiếp tục tiến hành đình công kéo dài nhằm phản đối kế hoạch tăng tuyển sinh trường y của chính phủ nước này.

Các bác sĩ thuộc Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc đình công phản đối chính sách của chính phủ tại Seoul, Hàn Quốc ngày 18/6/2024. Ảnh: AP

Các bác sĩ thuộc Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc đình công phản đối chính sách của chính phủ tại Seoul, Hàn Quốc ngày 18/6/2024. Ảnh: AP

Từ ngày 19/2 đến nay, hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập và nội trú tại Hàn Quốc đã tiến hành đình công kéo dài nhằm phản đối kế hoạch gia tăng tuyển sinh vào các trường y của chính phủ. Hành động này tiếp diễn bất chấp các cảnh báo của chính phủ và cuối cùng lan rộng tới cả các giáo sư, bác sĩ lâu năm và các phòng khám trong bối cảnh các cuộc đàm phán không đem lại kết quả cuối cùng.

Cuộc đình công mới nhất bắt đầu từ ngày 18/6 được dẫn đầu bởi Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) tại thủ đô Seoul với sự tham gia của hàng nghìn bác sĩ. Hãng tin AP dẫn lời KMA cho biết khoảng 74% thành viên đã bỏ phiếu tán thành hành động đình công tập thể. Trong khi đó, số liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cho thấy khoảng 4% trong số 36.000 phòng khám của quốc gia này đã thông báo với chính quyền về việc tham gia cuộc đình công.

Phát biểu tại cuộc đình công, ông Lim Hyun-taek, lãnh đạo phe cứng rắn của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, cho biết ông sẽ thúc đẩy các thành viên đình công vô thời hạn vào ngày 27/6 tới nếu chính phủ từ chối yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch tăng tuyển sinh vào trường y. KMA là tổ chức vận động hành lang cho bác sĩ lớn nhất đất nước với hơn 100.000 thành viên.

Trong khi đó, Phó phát ngôn viên của KMA Chae Dong-young nói với CNA ngày 20/6 rằng các bác sĩ đình công không thấy lý do gì để quay trở lại làm việc nếu chính phủ “tiếp tục tỏ ra không sẵn sàng tham gia đối thoại”. Ông cảnh báo: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và có khả năng cường độ hành động của chúng tôi sẽ tăng vượt mức hiện tại”.

Cuộc đình công trên xảy ra một ngày sau khi hơn 500 giáo sư y khoa tại 4 bệnh viện công liên kết với Đại học Quốc gia Seoul (SNU) đình công vô thời hạn. Một số sinh viên y khoa cũng đã trì hoãn việc đăng ký hoặc tẩy chay các lớp học với nguyên nhân kế hoạch của chính phủ sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp bác sĩ của họ sau khi tốt nghiệp.

Khả năng cuộc đình công có thể mở rộng làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn trong các dịch vụ y tế. Nhận định về ảnh hưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Jun Byung-wang cho biết cuộc đình công kéo dài một ngày của các phòng khám và cuộc đình công của các giáo sư y khoa trực thuộc SNU chưa gây ra vấn đề đáng kể trong các dịch vụ y tế ngay lập tức.

Tuy nhiên, ông cáo buộc cuộc đình công kéo dài đang đe dọa phá hủy “mối quan hệ tin cậy giữa bác sĩ và bệnh nhân mà xã hội chúng ta đã xây dựng từ lâu”. Ông tuyên bố: “Chúng tôi không thể cho phép sự tự do không giới hạn đối với ngành y tế. Do được hưởng lợi từ hệ thống cấp phép nhằm hạn chế nguồn cung bác sĩ và đảm bảo sự độc quyền trong nghề nghiệp, các bác sĩ phải duy trì trách nhiệm nghề nghiệp và đạo đức cũng như nghĩa vụ pháp lý theo luật y tế”.

Ông Jun Byung-wang cho biết Bộ Y tế dự định yêu cầu các bệnh viện khởi kiện bồi thường thiệt hại đối với các giáo sư y khoa đang đình công nếu cuộc đình công kéo dài và làm gián đoạn các dịch vụ y tế. Ông cho biết các bệnh viện không phản ứng lại một cách hiệu quả với các cuộc đình công có thể gặp bất lợi trong việc bồi thường bảo hiểm y tế và chính phủ có kế hoạch thúc đẩy hành động pháp lý chống lại bất kỳ bệnh viện nào hủy bỏ các phương pháp điều trị dành riêng cho bệnh nhân mà không thông báo trước cho họ.

Về phía Tổng thống Yoon Suk-yeol, ông nhận xét cuộc đình công kéo dài trong ngành y tế là “đáng tiếc” và cảnh báo chính phủ sẽ đáp trả nghiêm khắc “các hoạt động bất hợp pháp bỏ rơi bệnh nhân” trong cuộc họp Nội các ngày 18/6. Các quan chức chính phủ trước đó đã đe dọa đình chỉ giấy phép của các bác sĩ đình công nhưng sau đó đã dừng việc này lại để tạo điều kiện cho đối thoại.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khung-hoang-nganh-y-te-han-quoc-chua-co-dau-hieu-ket-thuc-post35867.html