Khung năng lực giảng dạy của giảng viên: Công cụ đo chất lượng dạy và học
Khung năng lực giảng dạy của giảng viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thiết kế như một công cụ hướng dẫn thực hành giảng dạy xuất sắc, có thể sử dụng như một công cụ tham chiếu trong đánh giá hoạt động dạy học của giảng viên.
Công cụ đo chất lượng dạy và học quan trọng
ĐHQGHN vừa ban hành Khung năng lực giảng dạy của giảng viên tại ĐHQGHN (gọi tắt là Khung năng lực giảng dạy).
Khung năng lực giảng dạy được xây dựng để đánh giá và hỗ trợ phát triển năng lực giảng dạy cho giảng viên tại ĐHQGHN, giúp giảng viên cập nhật và áp dụng những nguyên lý sư phạm và phương pháp giảng dạy hiện đại trong hoạt động dạy học.
Khung năng lực giảng dạy được thiết kế vừa như một công cụ hướng dẫn thực hành giảng dạy xuất sắc, vừa có thể sử dụng như một công cụ tham chiếu trong đánh giá hoạt động dạy học của giảng viên.
Đây là một công cụ quan trọng để đảm bảo chất lượng giảng dạy và học tập trong bối cảnh giáo dục đại học. Nội dung hướng dẫn và đánh giá sẽ được áp dụng trong tất cả các công đoạn của hoạt động dạy học, bao gồm: Chuẩn bị hoạt động dạy học, tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá người học. Các nội dung này được thể hiện qua 10 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí đánh giá năng lực giảng dạy. Tương ứng với mỗi tiêu chí, Khung năng lực giảng dạy đề xuất các chỉ báo để phục vụ đánh giá hoạt động dạy học của giảng viên.
Trong phạm vi của khung năng lực này, giảng viên đáp ứng được các yêu cầu về giảng dạy chất lượng là người tạo lập được môi trường dạy và học tích cực, hiệu quả trong hoạt động của mình, thể hiện qua các yếu tố: Có kiến thức chuyên môn vững vàng, có hiểu biết về người học và bối cảnh dạy học, có sự chuẩn bị công phu và khoa học về nội dung và học liệu phục vụ giảng dạy, có sự chuẩn bị các phương pháp giảng dạy một cách chủ động, sáng tạo;
Có năng lực tổ chức và quản lý lớp học, làm chủ được các phương pháp dạy học hiện đại, thiết lập được môi trường học tập tích cực trên lớp học, áp dụng được tiếp cận cá thể hóa trong giảng dạy, tuân thủ đúng các quy tắc và yêu cầu đánh giá người học, biết phát triển năng lực người học thông qua hoạt động kiểm tra đánh giá.
Tạo động lực để giáo viên sáng tạo, cống hiến
Tham gia góp ý cho dự thảo Khung năng lực giảng dạy, TS. Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN) nhận định: "Khung năng lực giảng dạy được cấu trúc logic, khoa học (tiêu chuẩn/tiêu chí/chỉ số, chỉ báo/gợi ý tìm minh chứng xác thực) rất tiện dùng cho giảng viên, đáp ứng các mục tiêu đa dạng (tự đánh giá/đánh giá, điều chỉnh/cải tiến, lập kế hoạch/định hướng phát triển chuyên môn). Các chỉ số, chỉ báo trong tiêu chí thực hiện theo các tiêu chuẩn đều khá cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao của ĐHQGHN".
Theo PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ Phát triển ĐHQGHN, Phó Chủ tịch CLB Nhà khoa học ĐHQGHN: "Các tiêu chí, tiêu chuẩn của Khung năng lực giảng dạy phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu áp dụng rộng khắp trong ĐHQGHN có thể tạo động lực để các giáo viên thi đua sáng tạo, cống hiến cho giảng dạy. Cần có sự chỉ đạo, điều phối chung trong toàn ĐHQGHN về đầu tư nguồn lực cho các hoạt động giảng dạy, đổi mới giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng giảng viên để đảm bảo mặt bằng chung thống nhất trong các đơn vị thành viên".
TS. Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐHQGHN) cho biết, Khung năng lực giảng dạy được Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy xây dựng trên cơ sở tham khảo hướng dẫn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo đại học của Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA), phiên bản 4 và khung thực hành giảng dạy xuất sắc của một số trường đại học lớn trên thế giới như: Khung đánh giá chất lượng giảng dạy của Đại học Nam Úc tại Australia, Khung đánh giá chất lượng giảng dạy của Đại học Colorado Boulder tại Hoa Kỳ, Khung thực hành giảng dạy của Đại học Vrije Universiteit Amsterdam tại Hà Lan… đảm bảo hướng tiếp cận chất lượng, hiện đại, cập nhật với xu thế phát triển của giáo dục đại học trên thế giới.