Khuyến công Quảng Nam: 'Đòn bẩy' thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển tích cực
Sau nhiều năm triển khai, hoạt động khuyến công tại tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực, khẳng định vai trò quan trọng trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2022, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam đã triển khai có hiệu quả các hoạt động khuyến công chủ yếu tập trung vào các nội dung như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất và bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; tập huấn các lớp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn…
Có thể thấy, chương trình khuyến công được triển khai ngày càng nhiều nội dung với mục tiêu tạo thuận lợi và giúp cơ sở công nghiệp nông thôn chủ động được nguồn lao động có chất lượng trong sản xuất, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm hao tổn nguyên liệu, tiết kiệm điện năng, từ đó nâng cao lợi nhuận và thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp.
Từ cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam đã tiến hành khảo sát các cơ sở công nghiệp nông thôn để xây dựng đề án và triển khai thực hiện các chương trình khuyến công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với đề án khuyến công quốc gia năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2948/QĐ-BCT ngày 29/12/2022, theo đó giao kế hoạch kinh phí cho Trung tâm thực hiện 1 đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ” đối với Hợp tác xã Trầm hương Nông Sơn, Công ty TNHH Kiến trúc, xây dựng, nội thất nhà Việt DECOR; Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thành Nhật Minh. Tổng kinh phí của đề án là hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 900 triệu đồng. Hiện tại, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam đang chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thực hiện ký kết hợp đồng với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương); quản lý, sử dụng kinh phí, tổ chức thực hiện đề án, nhiệm vụ được giao theo đúng kế hoạch, đạt mục tiêu và đảm bảo hiệu quả.
Đối với đề án khuyến công địa phương, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định Quyết định số 260/QĐ-SCT ngày 31/12/2022, theo đó giao dự toán thực hiện cho Trung tâm tập trung thực hiện các đề án khuyến công địa phương về hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam đã lập và trình Sở Công Thương tỉnh thẩm định 5 đề án: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất Dầu phộng tại huyện Quế Sơn; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bánh dừa nướng tại Cơ sở Bánh dừa nướng Bảo Linh, thành phố Tam Kỳ; Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất Nhang tại huyện Tiên Phước; Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến chả cá tại huyện Núi Thành; Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất Phở khô gạo lúa rẫy tại huyện Bắc Trà My.
Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cũng đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức thực hiện việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn năm 2023, gồm: Tổ chức 4 lớp tập huấn phổ biến thực hiện tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn gắn với nông thôn mới cho các địa phương trên địa bàn tỉnh; khảo sát lập 3 báo cáo đánh giá tình hình sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn; tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền vận động hưởng ứng và thực hiện thí điểm mô hình hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 3 hội nghị tập huấn phổ biến tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn khu vực nông thôn mới.
Những kết quả đạt được của hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã trở thành "đòn bẩy" quan trọng giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển một cách tích cực.
Tuy nhiên, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh sự phát triển tích cực đó, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Đa phần các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nguồn vốn hạn hẹp, công nghệ thiết bị cũ kỹ, hoạt động kém hiệu quả; thị trường tiêu thụ chưa chủ động được nhất là xuất khẩu; năng lực quản lý và điều hành còn hạn chế; trình độ tay nghề người lao động cũng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác khuyến công.
Đồng thời, quá trình lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch khuyến công cho năm sau, đối với nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tại thời điểm xây dựng đề án, xây dựng kế hoạch, thẩm định thì các cơ sở công nghiệp nông thôn chưa mua máy móc (nếu mua trong năm xây dựng kế hoạch thì không được hỗ trợ). Do đó, Hội đồng thẩm định chỉ đánh giá về mặt lý thuyết của dây chuyền máy móc dựa trên dự án đầu tư hoặc catalogue do đơn vị trình và tính chính xác sẽ không cao. Đây cũng là vấn đề bất cập hiện nay khi triển khai hai nội dung này.
Để nâng cao chất lượng công tác khuyến công trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam nhấn mạnh các đơn vị cần triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến văn bản, chính sách quy định về khuyến công nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các tổ chức, cơ quan, người dân và sự nhiệt tình của doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất; triển khai tập huấn nghiệp vụ quản trị doanh nghiệp cho các đối tượng là lãnh đạo, cán bộ quản lý của các cơ sở công nghiệp nông thôn, nhằm hỗ trợ cho họ tiếp cận với hệ thống kiến thức mới, tiên tiến để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị được tốt hơn.
Thứ hai, nghiên cứu việc kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đối tác đầu ra cho sản phẩm thông qua các hội chợ trong và ngoài nước, là cầu nối để các doanh nghiệp đến với nhau, tạo điều kiện quảng bá phát triển thương hiệu sản phẩm; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công nhất là trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, xử lý ô nhiễm môi trường; phương pháp tiếp cận, xây dựng đề án và tổ chức triển khai…
Thứ ba, kiến nghị UBND tỉnh, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) quan tâm hỗ trợ kinh phí, phê duyệt và bổ sung thêm các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương hàng năm do Trung tâm đề xuất để hoạt động công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh được phát triển cả về số lượng và chất lượng trong những năm tới, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chung của tỉnh. Mặt khác, giới thiệu và hỗ trợ cho Trung tâm được tham quan, học tập kinh nghiệm tại các đơn vị đang hoạt động khuyến công có hiệu quả trên địa bàn cả nước.