Khuyến khích sinh viên toàn năng
Hiện nay, song song với việc học tập, nhà trường khuyến khích sinh viên học tập, trau dồi các kỹ năng mềm, kết hợp luyện tập thể thao, âm nhạc, tham gia các hoạt động xã hội...
Trong lễ tốt nghiệp của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) vừa tổ chức, Nguyễn Trọng Hoàng - sinh viên khoa Điện - Điện tử, gây ấn tượng mạnh khi sở hữu bảng thành tích khủng bao gồm điểm trung bình 9,1/10, đạt IELTS 8.0 và 2 lần đoạt huy chương đồng quốc gia bộ môn tennis. Hoàng là 1 trong 11 sinh viên được nhận cúp toàn năng trong số gần 3.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư do Trường Đại học Bách khoa trao tặng đợt này. Đây là những sinh viên có thành tích nổi bật trong học tập và trong các hoạt động nghiên cứu, hoạt động xã hội…
PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa gửi lời nhắn nhủ đến các tân khoa: “Đứng trước ngưỡng cửa lập thân, lập nghiệp, tôi mong mỏi các em luôn trau dồi, học hỏi, chú trọng học tập suốt đời, nhất là về khoa học công nghệ. Kiến thức thu nhận được từ trường đại học mới chỉ là nền tảng cơ bản, các em cần tự bồi đắp kiến thức chuyên môn, kỹ năng xã hội, năng lực quản lý và các kỹ năng khác để không ngừng hoàn thiện và phát triển bản thân”.
Trên thực tế, khi tham gia thị trường lao động, bên cạnh kiến thức chuyên môn vững vàng thì các nhà tuyển dụng đều quan tâm đến các kỹ năng mềm của ứng cử viên. Đơn cử, với kỹ năng lắng nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là kỹ năng quan trọng đầu tiên vì khi trong môi trường làm việc sẽ khó tránh khỏi những góp ý, nhận xét từ người khác. Trong khi đó, khả năng giao tiếp sẽ giúp ứng cử viên thể hiện năng lực bản thân, phát triển các mối quan hệ xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc này, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng và phê duyệt Đề án “Chương trình giáo dục toàn diện cho sinh viên chính quy năm thứ nhất học tập tại Hòa Lạc”. Theo đó, chương trình được thiết kế nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản hướng tới tăng cường các hoạt động trải nghiệm, các kỹ năng sinh tồn, kỹ năng tự phục vụ, rèn luyện ý thức kỷ luật... Tăng cường phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, lập kế hoạch quản lý thời gian, thấu hiểu và khai phá tiềm năng bản thân, kỹ năng giao tiếp và quan hệ công chúng, định vị và xây dựng thương hiệu cá nhân, kỹ năng làm việc nhóm, quản lý tài chính cá nhân, kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng tin học văn phòng, vận dụng công nghệ số, am hiểu về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc... Sinh viên sẽ được đào tạo trực tiếp trên lớp và đào tạo trực tuyến trên mạng internet đồng thời trang bị, mở rộng kiến thức thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế.
Đại diện Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) chia sẻ ngày nay trường đại học không chỉ cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên môn mà đào tạo kỹ năng mềm cũng là yếu tố không thể bỏ qua trong quá trình học tập và hoạt động để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng sau này. Đơn cử, với kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng trong quá trình làm việc tại bất cứ đâu, nhà trường chú trọng rèn giũa sinh viên ngay từ những ngày đầu trên giảng đường. Thông qua các đồ án học phần, các cuộc thi học thuật theo nhóm, những môn thể thao đồng đội hay những nhóm nhảy, nhóm hát xuất hiện hoành tráng cùng nhau trên sân khấu… giúp người học trau dồi những kỹ năng này theo cách phù hợp nhất với khả năng của mình.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tới năm 2026, sẽ có khoảng 40% người lao động sẽ không còn kỹ năng phù hợp với công việc hiện tại, bởi sẽ được thay thế bằng công nghệ mới và 30% người lao động buộc phải chuyển nghề. Việc nâng cao kỹ năng cho người lao động cần được đặt ra, khi con số khảo sát cho thấy, ứng viên vào các vị trí như cán bộ chuyên môn, kỹ thuật viên, thợ thủ công trong doanh nghiệp đa số thiếu kỹ năng cần thiết, với tỷ lệ lần lượt là 80%, 83% và 40%.
Một nghiên cứu của PGS.TS Hà Nam Khánh Giao - Trường Đại học Tài chính – Marketing, cũng lưu ý rằng chương trình đào tạo kỹ năng hiện đang nặng về lý thuyết. 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm. 37% sinh viên không tìm được việc làm phù hợp do kỹ năng yếu. 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc. 41% cần thời gian làm quen với công việc. 50% lao động tốt nghiệp phổ thông không có kỹ năng họ cần; lao động tốt nghiệp đại học cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. 13% phải được đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng.
Từ những con số này cho thấy, yêu cầu bức thiết đặt ra cho các nhà trường và chính người học cần phải quan tâm đến việc đào tạo, rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho người học. Đặc biệt, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của số hóa, tự động hóa, kỹ năng mềm ngày càng trở nên giá trị và cần thiết so với kỹ năng thuộc về kỹ thuật. Tuy nhiên, kỹ năng mềm đòi hỏi sự chú ý trau dồi qua một khoảng thời gian nhất định, không phải là đợi đến khi gần tốt nghiệp mới quan tâm, chú ý.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khuyen-khich-sinh-vien-toan-nang-10295588.html