Khuyến khích tái chế rác

Mỗi ngày, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh hơn 7.500 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng chỉ 10-15% trong số đó được tái chế. Phần lớn rác còn lại được trộn lẫn, đưa đi xử lý.

Thực trạng này kéo dài tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí. Trong khi đó, các nguồn tài nguyên có thể tái chế, như giấy, nhựa, kim loại, chất thải xây dựng… lại đang bị vứt bỏ.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là thiếu chính sách khuyến khích đầu tư vào ngành tái chế. Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia lĩnh vực này nhưng vướng cơ chế thuê đất, vay vốn, công nghệ và đầu ra sản phẩm. Không ít cơ sở tái chế thủ công hoạt động trong điều kiện lạc hậu, gây ô nhiễm thứ cấp.

Trong bối cảnh đó, việc HĐND thành phố Hà Nội thông qua nghị quyết về chính sách ưu đãi cho hoạt động tái chế chất thải là bước đi đúng hướng, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc khơi thông điểm nghẽn lớn trong quản lý rác thải, đồng thời cụ thể hóa mô hình kinh tế tuần hoàn mà Thủ đô đang hướng tới. Hơn nữa, nghị quyết này không chỉ mang tính khuyến khích, mà còn là đòn bẩy làm thay đổi căn bản cách tiếp cận vấn đề xử lý rác thải: Từ chôn lấp sang tái sử dụng, từ xử lý sang tận dụng, từ tiêu tốn ngân sách sang tạo giá trị gia tăng.

Nội dung nghị quyết cho thấy sự chủ động và tầm nhìn dài hạn của thành phố với hàng loạt ưu đãi thiết thực được đưa ra, như: Hỗ trợ 100% lãi suất vay cho đầu tư cơ sở tái chế; hỗ trợ lập hồ sơ môi trường, quy hoạch chi tiết, hạ tầng kỹ thuật; ưu tiên quỹ đất sạch có giá thuê ưu đãi; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm tái chế...

Quan trọng hơn, nghị quyết không chỉ hỗ trợ về kinh tế, mà còn tạo nền tảng pháp lý để tổ chức lại hệ thống phân loại, thu gom, xử lý rác thải đồng bộ. Khi đầu vào được kiểm soát tốt, các doanh nghiệp tái chế mới vận hành hiệu quả. Đây là yếu tố từng khiến nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn trước đây đã không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hơn nữa, nếu được triển khai nghiêm túc, nghị quyết sẽ chấm dứt tình trạng “đơn thương độc mã” của doanh nghiệp tái chế, thay vào đó là hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, người dân và doanh nghiệp cùng tham gia.

Để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, chính quyền các cấp cần nhanh chóng cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động rõ ràng, phân công trách nhiệm cụ thể và cơ chế giám sát chặt chẽ. Việc quy hoạch, bố trí đất cho các cơ sở tái chế cần được các sở, ngành, địa phương của thành phố ưu tiên; các thủ tục hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cũng cần được các cấp chính quyền đơn giản hóa, minh bạch, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Về phía doanh nghiệp, cần thay đổi tư duy ngắn hạn, sẵn sàng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, coi tái chế rác là ngành kinh tế thực thụ chứ không chỉ là nghĩa vụ môi trường. Một số mô hình tái chế chất thải thành phân bón hữu cơ hay biến rác nhựa thành nhiên liệu sạch đang phát huy hiệu quả. Qua đó, chứng minh rằng, nếu làm đúng cách, tái chế hoàn toàn có thể sinh lời.

Cộng đồng người dân cũng cần đóng vai trò trung tâm, đặc biệt trong khâu phân loại rác tại nguồn; nếu không có sự tham gia chủ động từ người dân, mọi hệ thống tái chế sẽ khó vận hành hiệu quả.

Không thể xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, hiện đại nếu chúng ta còn xem rác thải là gánh nặng. Rác thải nếu được quản lý hiệu quả sẽ là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất. Chính vì vậy, nghị quyết về ưu đãi tái chế không chỉ là chính sách xử lý rác mà còn là bước đi đầu tiên trong hành trình hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn - mô hình đang được nhiều quốc gia tiên tiến theo đuổi. Với bước đi kịp thời này, thành phố Hà Nội đang tạo tiền đề để tiến xa hơn trên con đường xanh hóa nền kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ nghị trường đến đời sống là quãng đường không hẳn lúc nào cũng bằng phẳng, nhưng nếu các bên cùng quyết tâm hành động thì tình trạng rác thải "thừa" sẽ dần trở thành câu chuyện của quá khứ...

Hoàng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khuyen-khich-tai-che-rac-710180.html