Khuyến khích tư nhân tham gia phát triển đường sắt bằng hình thức hợp đồng

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bổ sung quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua hình thức hợp đồng.

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh chiều nay thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), trong đó có nhiều điểm mới mang tính đột phá cho phát triển đường sắt.

Dự thảo luật đã bổ sung quy định huy động tối đa nguồn lực của địa phương, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trong đó, theo Bộ trưởng Xây dựng, có quy định về việc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng (BT, BOT, BTO, BLT, BTL...).

“Địa phương được dùng ngân sách của mình để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia”, ông Trần Hồng Minh thông tin.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong đầu tư xây dựng công trình đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, đường sắt chuyên dùng,…

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: Quốc hội

“Những quy định này tạo cơ sở pháp lý cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt. Ví dụ như việc đầu tư xây dựng cầu chung giữa đường sắt và đường bộ (cầu Lạch Huyện, cầu Cần Thơ 2...)”, Bộ trưởng Xây dựng cho hay.

Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư để thu hút, đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp tham gia quản lý, đầu tư phát triển đường sắt như “Lãnh đạo công - quản trị tư”, “Đầu tư công - quản lý tư”, “Đầu tư tư - sử dụng công”...

Vấn đề đăng kiểm phương tiện giao thông đường sắt cho phù hợp với từng loại hình đường sắt cũng được điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; thủ tục hành chính về đánh giá, chứng nhận, thẩm định,… được cắt giảm song vẫn đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế.

Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung quy định nhằm phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt như một số sản phẩm công nghiệp đường sắt thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên; thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt qua đó tạo ra thị trường đủ lớn góp phần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ,…

Về phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng Xây dựng cho biết dự thảo đề xuất phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong đầu tư, quản lý vận hành kết cấu hạ tầng đường sắt; chuyển một số thẩm quyền từ Thủ tướng về Bộ trưởng Xây dựng và địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Quốc hội

Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho hay, Ủy ban cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Tuy nhiên, ông đề nghị làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của dự thảo với đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao và đường sắt chuyên dùng; kinh doanh đường sắt, khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt.

Liên quan đầu tư xây dựng công trình đường sắt và về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt, cơ quan thẩm tra kiến nghị Chính phủ báo cáo, xin ý kiến cấp thẩm quyền về cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Với cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt và an sinh xã hội, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh, cần làm rõ các tiêu chí cụ thể để xác định chi phí hợp lý và quy trình bù đắp chi phí cho doanh nghiệp, bao gồm cách thức xác minh và kiểm tra; bổ sung quy định công khai thông tin trong quá trình hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt và an sinh xã hội….

Dự thảo Luật đã phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong công tác đầu tư, quản lý vận hành kết cấu hạ tầng đường sắt; đã chỉnh lý một số thẩm quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cho Bộ trưởng Xây dựng, chính quyền địa phương thực hiện, cụ thể như sau:

Phân quyền cho chính quyền địa phương thực hiện 10 thủ tục hành chính về: (i) chấp thuận chủ trương xây dựng đường ngang; cấp, gia hạn Giấy phép xây dựng đường ngang đối với đường sắt địa phương, đường sắt chuyên dùng; (ii) cấp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt; (iii) cấp Giấy phép lái tàu trên đường sắt chuyên dùng, đường sắt địa phương.

Phân quyền nội dung từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng thực hiện về phê duyệt quy hoạch tuyến, ga đường sắt. Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt thay vì giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này như Luật Đường sắt 2017.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khuyen-khich-to-chuc-ca-nhan-phat-trien-duong-sat-bang-hinh-thuc-hop-dong-2405418.html