Kịch bản nào cho thị trường giá cả của Việt Nam năm 2025?

Các chuyên gia phân tích, thị trường giá cả Việt Nam sẽ phụ thuộc vào các yếu tố tiền tệ, tỷ giá, lạm phát, tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới, giá dầu và giá nguyên vật liệu đầu vào.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam không nhận được nhiều dự báo lạc quan khi GDP chỉ tăng 5,66% trong quý I/2024, còn CPI (chỉ số giá tiêu dùng) vào tháng 3/2024 tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước; đối mặt trước nhiều thách thức như xung đột chính trị tại Ukraine và Trung Đông, xu hướng tăng giá cước vận tải, sự mạnh lên của đồng USD gây áp lực tỷ giá, lãi suất và lạm phát tại Việt Nam.

Song, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép với tăng trưởng GDP đạt mức 7,09%; còn CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm trước, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp, Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.

Các chuyên gia đánh giá cao về kết quả tăng trưởng của Việt Nam trong 2024 trước những thách thức

Các chuyên gia đánh giá cao về kết quả tăng trưởng của Việt Nam trong 2024 trước những thách thức

Tại hội thảo khoa học: "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025" do Viện Kinh tế - Tài chính (Viện KTTC), Học viện Tài chính chủ trì phối hợp cùng Cục Quản lý giá tổ chức, các chuyên gia, diễn giả cho rằng, kết quả này nhờ vào sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, nhấn mạnh: "Những kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát cho thấy các chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá của Chính phủ đang được điều hành đúng hướng và hiệu quả".

Cụ thể như là việc áp dụng kịp thời các chính sách như miễn, giảm, gia hạn thuế; giãn nợ; giảm lãi suất; thúc đẩy tín dụng;... từ đó hỗ trợ mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất.

Dựa vào kết quả trên, đưa radự báo về thị trường giá cả năm 2025, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện KTTC, cho biết, bên cạnh các yếu tố về tiền tệ, tỷ giá, lạm phát, thị trường giá cả năm 2025 còn phụ thuộc vào tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới, giá dầu và giá nguyên vật liệu đầu vào.

Theo dự báo từ các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2% (tương đương năm 2024), còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam.

Bổ sung thêm về vấn đề này, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhận định, trong năm 2025, quản lý giá, điều hành giá sẽ gặp nhiều thách thức, áp lực đến từ thị trường, giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như giá nhiên liệu, giá vật liệu xây dựng, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình; giá điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...

Song, bên cạnh đó, vẫn có một số yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, cải thiện tâm lý và kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

Theo đó, chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ những năm qua sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó giúp ổn định kỳ vọng lạm phát. Các chuyên gia dự báo, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2025 sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý, dao động từ 3,3% đến 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đưa ra là kiểm soát lạm phát năm 2025 khoảng 4,5%.

Ngoài ra, Việt Nam vốn có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, mức thu học phí năm học 2024 – 2025 và các năm tiếp theo đối với khối mầm non, phổ thông công lập sẽ tiếp tục ở mức ổn định, từ đó không tác động đến chỉ số CPI năm 2025.

Một số chính sách hỗ trợ về thuế tiếp tục được thực hiện như hỗ trợ giảm thuế môi trường với xăng dầu, giảm thuế VAT góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ.

Dựa vào những phân tích trên, nhóm chuyên gia từ Viện KTTC đưa ra đánh giá về diễn biến một số lĩnh vực cụ thể trên thị trường giá cả năm 2025.

Về lãi suất, lãi liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm năm 2025 có khả năng tăng từ 0,5 – 1 điểm %/năm so với bình quân năm 2024 là 3,83%/năm. Còn lãi suất huy động bình quân năm 2025 tăng 0,2 – 0,5% điểm/năm so với mức bình quân năm 2024 là 4,98%/năm.

Về giá USD/VND, có thể tăng nhẹ từ 0,2 – 0,4%/năm.

Về giá vàng, nhiều khả năng giá vàng năm 2025 sẽ tăng vượt đỉnh năm 2024 nhờ vào việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ, sự gia tăng bất ổn địa chính trị - kinh tế toàn cầu.

Về giá dầu, giá dầu thô thế giới bình quân năm 2025 so với năm 2024 có thể sẽ giảm từ 4-8%. Trước mắt, giá dầu tháng 01/2025 so với tháng 12/2024 có thể sẽ tăng từ 0-4% (bởi vì kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng tốt lên; tồn kho dầu thô của Mỹ tuần cuối tháng 12/2024 giảm,...

Về giá nguyên vật liệu xây dựng có nguồn cung hạn chế như cát, đá xây dựng,...có thể tăng nhẹ trong những tháng đầu năm khi các công trình xây dựng gấp rút hoàn thành.

Về thị trường thép nội địa, sẽ phục hồi nhờ thị trường bất động sản sôi động trở lại, từ 2-3% so với mức giá cuối tháng 12/2024.

Về giá gạo, giá gạo thế giới sẽ giảm từ 3-5% do nhu cầu nhập khẩu gạo của một số thị trường lớn tạm thời chững lại như Trung Quốc, Indonesia,...trong bối cảnh nguồn cùng dồi dào hơn khi Ấn Độ tăng cường sản xuất. Vì vậy, thị trường trong nước, giá gạo cũng có thể giảm theo.

Về giá lợn hơi, có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ, chế biến tăng cao, nhất là dịp đầu năm, Tết Âm lịch, lễ hội,... Đà tăng sẽ được kéo dài tới nửa đầu năm 2025 nhưng biên độ không quá mạnh. Dự báo cả năm 2025, giá lợn hơi tăng khoảng 5-7%.

Về giá cà phê, có thể giảm 3-8% do sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2024/25 tăng mạnh, chủ yếu ở Việt Nam, Brazil, Indonesia và Malaysia.

Tuệ Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/kich-ban-nao-cho-thi-truong-gia-ca-viet-nam-nam-2025-20250109154856101.htm