Kích cầu sức mua, đóng góp mạnh hơn cho mục tiêu tăng trưởng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% trong nửa đầu năm 2025 - Điều này chứng tỏ sức mua và nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ.

Nguồn: Cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh

Nhu cầu tiêu dùng, du lịch cao kéo tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng

Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, 6 tháng đầu năm 2025, nhu cầu tiêu dùng, du lịch của người dân trong nước tăng trong các dịp lễ, tết, nghỉ hè cùng với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6 ước đạt 570,2 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý II/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.713,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với quý trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tiêu dùng là một trong các trụ cột của GDP

Theo các chuyên gia, tiêu dùng là một trong các trụ cột quan trọng của GDP, nếu từ nay đến cuối năm tiêu dùng đạt mức tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tính chung 6 tháng năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 7,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 23,2%...

Một số địa phương có doanh thu 6 tháng đầu năm 2025 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, gồm: TP. Hồ Chí Minh tăng 28,2%; Lào Cai tăng 27,9%; Hà Nội tăng 22,8%; Đồng Tháp tăng 19,4%; Bình Dương tăng 17,1%.

Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng tiêu dùng cho thấy sức khỏe của nền kinh tế nói chung, chi tiêu của người dân phục hồi tương đối tốt. Trong đó, nhóm dịch vụ lưu trú, lữ hành tăng mạnh nhất do ngay từ đầu năm, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các chương trình kích cầu du lịch và phát triển nhiều loại hình du lịch mới thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Điều này cũng cho thấy niềm tin của người dân tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, những phương án thúc đẩy tiêu dùng áp dụng ngày càng phát huy hiệu quả như kích cầu tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi, sự kiện, hỗ trợ tài chính; tăng cường giáo dục và bảo vệ người tiêu dùng; thúc đẩy tiêu dùng xanh, bền vững...

Tập trung xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, qua 6 tháng đầu năm, kết quả sơ bộ về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của nhiều địa phương còn chưa đạt mức tăng như kỳ vọng. Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2025, địa giới hành chính mới của một số tỉnh sau sáp nhập bắt đầu có hiệu lực, đồng thời, các địa phương chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

Vì vậy, Bộ Công thương đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2025 sau sắp xếp địa giới hành chính mới. Chẳng hạn như, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Sơn La… là 18%; Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Huế… là 20%; Lâm Đồng, Cà Mau… là 19%.

Bộ này đề nghị sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi ổn định bộ máy hành chính, nhân sự mới tiếp tục rà soát các yếu tố tác động đến phát triển thị trường trong nước trong 6 tháng cuối năm, chủ động có giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ được giao tại Chỉ thị số 08/CT-BCT và theo mức điều chỉnh đối với các địa phương có sáp nhập.

Bộ Công thương cũng yêu cầu các địa phương cần tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng đối với các nhóm ngành hàng đang có mức tiêu thụ thấp như hàng may mặc, đồ dùng trang thiết bị gia đình, phương tiện đi lại, dịch vụ ăn uống...

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi kinh doanh trên nền tảng số; phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh trong chuyển đổi phương thức kinh doanh và nộp thuế để sớm ổn định hoạt động phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng.

Theo Bộ Công thương, thực trạng các vụ việc về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đang được phát hiện và xử lý thời gian qua đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường. Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, lập lại kỷ cương trên thị trường, Bộ yêu cầu các địa phương phải tích cực triển khai công tác truyền thông, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm uy tín, chất lượng sản xuất trong nước để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa trên thị trường. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Cùng với đó, thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền phối hợp xử lý các biến động bất ổn của thị trường nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Cơ hội cho doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng

Để thúc đẩy sức mua và hỗ trợ người tiêu dùng trong bối cảnh giá cả hàng hóa thiết yếu có nhiều biến động, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc sớm để triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương.

Điển hình, TP. Hà Nội đang triển khai nhiều chương trình bình ổn giá và khuyến mại tập trung, qua đó kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm 2025. Hoạt động này không chỉ giúp người dân tiếp cận hàng Việt giá rẻ mà còn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng Việt.

Theo Sở Công thương Hà Nội, Chương trình bình ổn giá và khuyến mại tập trung TP. Hà Nội 2025 đã chính thức khởi động vào tháng 7/2025. Các hoạt động cao điểm trong chương trình sẽ triển khai vào tháng 7 và tháng 11/2025 với sự tham gia hưởng ứng của 1.000 - 2.000 doanh nghiệp, điểm bán hàng trên địa bàn. Các đơn vị tham gia sẽ áp dụng mức giảm giá, khuyến mại lên tới hơn 50% nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần tăng tổng mức bán lẻ tiêu dùng trên địa bàn. Trong thời gian tổ chức chương trình khuyến mại tập trung, Sở Công thương Hà Nội sẽ tổ chức Sự kiện Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale 2025, vào ngày 28/11/2025...

Các hoạt động này không chỉ là hoạt động xúc tiến thương mại đơn thuần, mà còn là một giải pháp chiến lược để giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa của thành phố đạt mức tăng trưởng 14% theo Chỉ thị của UBND TP. Hà Nội.

Tương tự, TP. Hồ Chí Minh triển khai chương trình khuyến mãi tập trung lớn nhất năm 2025, với hàng nghìn sản phẩm và dịch vụ được giảm giá sâu nhằm kích cầu tiêu dùng. Theo đó, Chương trình Chương trình khuyến mãi tập trung – Mùa mua sắm “Shopping Season” sẽ diễn ra trong hai đợt quy mô lớn: Từ ngày 15/6 đến 15/9 với chủ đề “Tưng bừng mua sắm Hè 2025” và từ ngày 15/11 đến 31/12/2025 với chủ đề “Rộn ràng mua sắm Xuân 2026”.

Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời điểm cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, vì vậy thành phố kỳ vọng tạo cú hích đáng kể cho thị trường bán lẻ và dịch vụ. Tại kế hoạch của chương trình sẽ có sự tham gia của hơn 10.000 doanh nghiệp, với gần 80.000 chương trình khuyến mại được triển khai đồng loạt trên toàn địa bàn, từ các quận nội thành, vùng ven, khu chế xuất, khu công nghiệp đến các trung tâm thương mại sầm uất. Đây cũng là hoạt động trọng điểm trong chiến lược kích cầu tiêu dùng và phát triển kinh tế thương mại của TP. Hồ Chí Minh trong năm nay.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kich-cau-suc-mua-dong-gop-manh-hon-cho-muc-tieu-tang-truong-179813.html