Kích cầu tiêu dùng, xây dựng thương hiệu mua sắm

Với hàng loạt hoạt động kéo dài suốt 3 tháng, chương trình khuyến mãi tập trung của TP HCM không chỉ kích cầu tiêu dùng mà còn góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, tránh tình trạng 'té nước theo mưa' sau đợt tăng lương từ ngày 1-7

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết chương trình khuyến mãi tập trung "Mùa mua sắm - Shopping Season" đợt 1 năm 2024 đã diễn ra đúng 1 tháng. Bên cạnh điểm nhấn là khuyến mãi hàng hiệu, chương trình kéo dài trong 3 tháng này - đến ngày 15-9 - sẽ triển khai chuỗi hoạt động bán hàng lưu động để mang sản phẩm tiêu dùng thiết yếu đến các quận, huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp phục vụ người thu nhập thấp…

Phóng viên: Vì sao TP HCM tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung kéo dài đến 90 ngày, trong khi việc khuyến mãi và mua hàng khuyến mãi lâu nay là chuyện thường ngày của thành phố, thưa ông?

- Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG: Mục tiêu của chương trình khuyến mãi tập trung "Mùa mua sắm - Shopping Season" là tạo ra thương hiệu mua sắm cho TP HCM cũng như thực hiện mục tiêu dài hạn là xây dựng TP HCM thành trung tâm mua sắm tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM

Năm 2023, TP HCM đã tổ chức thành công chương trình này, thu hút hơn 9.000 thương nhân tham gia với hơn 50.000 hoạt động khuyến mãi, góp phần phục hồi và tăng trưởng tổng mức bán lẻ trên địa bàn. Tiếp nối thành công đó, năm 2024, TP HCM tiếp tục triển khai 2 đợt khuyến mãi tập trung: Đợt 1 từ ngày 15-6 đến 15-9; đợt 2 từ ngày 15-11 đến 31-12. Chương trình gồm chuỗi hoạt động thiết thực nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh trong điều kiện kinh tế vẫn khó khăn như hiện nay; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy khi tổ chức khuyến mãi tập trung ở thời điểm thị trường thấp điểm, nếu thời gian ngắn sẽ rất khó cho DN chủ động triển khai các chương trình dài hơi. Do đó, chương trình năm nay kéo dài 3 tháng.

Nếu bình thường, mỗi DN chỉ được khuyến mãi tối đa 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ thì trong chương trình khuyến mãi tập trung này, hạn mức khuyến mãi tối đa lên đến 100%. Nghĩa là TP HCM tạo điều kiện để DN có 90 ngày được khuyến mãi tối đa để kích thích tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho nhằm quay vòng vốn, chuẩn bị cho mùa sản xuất - kinh doanh cuối năm.

Ngoài ra, ban tổ chức còn vận động các địa phương có liên kết kinh tế - xã hội với TP HCM cùng tham gia khuyến mãi tập trung để tạo sức lan tỏa rộng hơn.

Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, kênh bán hàng online… đang giảm giá đến 70%-80% nhưng vẫn vắng khách. Sở Công Thương có giải pháp nào kích cầu hiệu quả hơn trong 2 tháng còn lại của chương trình?

- Năm nay, chương trình được tập trung đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng quy mô và số lượng sự kiện khuyến mãi. Đến nay, số DN đăng ký tham gia chương trình đã tăng 10%-15% so với cùng kỳ năm 2023. Ban tổ chức dự kiến sau khoảng 1 tháng rưỡi diễn ra chương trình sẽ tổng hợp kết quả để chuẩn bị cho việc thúc đẩy quảng bá trong 1 tháng rưỡi sau đó.

Để hướng tới việc xây dựng thương hiệu mua sắm cho TP HCM, ngoài triển khai chương trình khuyến mãi hàng hiệu nhằm thu hút khách du lịch, thành phố tiếp tục quan tâm chăm lo cho người lao động thu nhập thấp. Trong mùa khuyến mãi tập trung năm nay, lần đầu tiên TP HCM sẽ tổ chức bán hàng lưu động phục vụ người có thu nhập thấp tại các quận, huyện vùng sâu - vùng xa; công nhân - lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp. Chúng tôi đã xây dựng chương trình và làm việc với các quận, huyện để đăng ký những điểm bán, dự kiến đầu tháng 8-2024 triển khai.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang giảm giá sâu. Ảnh: THANH NHÂN

Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đang giảm giá sâu. Ảnh: THANH NHÂN

Chương trình dự kiến sẽ rất phong phú với sự tham gia của rất nhiều thương hiệu từ các DN lớn, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); khuyến mãi những sản phẩm thiết thực, phù hợp với nhu cầu của người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Ban tổ chức phối hợp với các DN áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt để có mức khuyến mãi tốt hơn, thông qua việc triển khai các app thanh toán và coupon thanh toán điện tử.

Quan trọng hơn, qua chương trình mua sắm này, chúng tôi dự kiến mời các DN FDI tham gia bình ổn thị trường. Ghi nhận của Sở Công Thương cho thấy các DN FDI đang dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng đánh giá cao và rất quan tâm các chương trình của TP HCM nhằm giữ ổn định giá cả và chăm lo người lao động có thu nhập thấp, người nghèo.

Theo ông, chương trình khuyến mãi đậm trên toàn địa bàn TP HCM có giúp ổn định giá cả thị trường - vốn thường "ăn theo" việc tăng lương, cụ thể là tăng lương cơ sở từ ngày 1-7?

- Về nguyên tắc, một trong những nguyên nhân gây lạm phát, tăng giá hàng hóa là do tổng cung và tổng cầu mất cân bằng. Và khi lượng tiền lưu hành trong nền kinh tế tăng rất mạnh mà tổng sản phẩm sản xuất ra tăng thấp hơn nhiều thì lạm phát mới tăng cao. Trong khi đó, việc tăng lương không làm tăng cung tiền nên không tác động đến việc tăng giá.

Tuy nhiên, TP HCM cũng nhận định việc tăng lương từ ngày 1-7 sẽ tạo tâm lý nâng giá bán của nhà bán lẻ, dễ dẫn đến tác động dây chuyền "té nước theo mưa". Do đó, TP HCM đã có chỉ đạo quyết liệt; các quận, huyện đang bám sát thị trường và DN bình ổn thị trường luôn trong trạng thái sẵn sàng bổ sung lượng hàng hóa thiếu hụt cục bộ, không để mất cân đối cung - cầu, bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa… trong mọi tình huống.

Sở Công Thương TP HCM đã triển khai tới các quận, huyện và TP Thủ Đức; phối hợp cùng thanh tra Sở Tài chính, các quận - huyện, cơ quan quản lý thị trường theo dõi sát sao tình hình cung ứng hàng hóa, đặc biệt là tại các chợ truyền thống. Nếu có dấu hiệu tăng giá đột biến, cục bộ thì sẽ thông tin ngay về Sở Công Thương và Sở Tài chính để chúng tôi điều phối, can thiệp kịp thời. Cụ thể là tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định.

Hiện nay, TP HCM có nguồn hàng hóa phong phú, hệ thống phân phối trải rộng. Điển hình như hình thức mua bán trực tuyến hiện nay giúp người tiêu dùng không chỉ có thể mua được hàng hóa trong nước mà còn cả hàng nhập khẩu bất cứ lúc nào. Do đó, không có việc đơn vị hoặc cá nhân nào có thể tác động làm cho méo mó thị trường, nâng giá lên để chi phối thị trường.

Sở Công Thương TP HCM dự kiến chương trình khuyến mãi tập trung đợt 1-2024 thu hút gần 10.000 thương nhân tham gia, với trên 55.000 hoạt động khuyến mãi của những DN thuộc các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ ngân hàng, trung gian thanh toán, giao thông vận tải...

Để tăng thêm tính cộng hưởng cho chương trình, từ ngày 5 đến 7-9, khi Sở Du lịch tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM thì Sở Công Thương tổ chức sự kiện khuyến mãi hàng hiệu - sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ, giảm giá cước vận chuyển công cộng để người dân, du khách dễ dàng, thuận lợi kết hợp tham quan hội chợ và mua sắm.

Thanh Nhân thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kich-cau-tieu-dung-xay-dung-thuong-hieu-mua-sam-196240714201119817.htm