Kích tiêu dùng nội địa, 'giải quyết' việc làm cho hàng trăm lao động
Mở rộng địa giới hành chính thông qua chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện sẽ làm tăng đáng kể quy mô dân số, lao động tại mỗi địa phương. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với vấn đề phát triển hạ tầng thương mại, đáp ứng tiêu dùng bền vững.
Các 'ông lớn' bán lẻ 'đua nhau' mở rộng thị trường
Mở rộng quy mô bán lẻ, phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng đã được Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước kiến nghị Bộ Công thương hồi tháng 5/2025, trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn áp dụng chính sách bảo hộ.
Điều này càng trở nên cấp thiết tại thời điểm hiện nay, khi hoạt động sáp nhập địa giới hành chính theo chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện vừa được triển khai. Đặc biệt là đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế trong nước với các nội dung thuộc đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, làm tăng hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng.

Nhằm kích cầu kinh tế tăng trưởng, thời điểm này, các đơn vị bán lẻ đang trên đường đua mở rộng quy mô bán lẻ. Ảnh: BẢO LOAN
Ngày 17/7, xác nhận với phóng viên, đại diện Tập đoàn Central Reatail tại Việt Nam cho biết: "Đơn vị vừa đưa vào hoạt động siêu thị GO! Hưng Yên. Việc mở rộng quy mô bán lẻ này sẽ đáp ứng yêu cầu kích thích tiêu dùng nội địa của ngành bán lẻ, đồng thời giúp thúc đẩy kinh tế phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ tại khu vực này bằng chiến lược "luôn rẻ hơn 5% so với giá thấp nhất"".
Cũng theo vị đại diện tập đoàn này, để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương sau sáp nhập, các sản phẩm OCOP của Hưng Yên và các tỉnh thành khác được trưng bày, quảng bá, giới thiệu tại khu vực tầng 2 với các sản phẩm đặc sản nổi tiếng như: Long nhãn, tương bần, hạt sen sấy giòn, mật ong, bột nghệ, ngô nếp sấy giòn…
Thông tin với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, chủ trương mở rộng và nâng cao thị trường bán lẻ của tỉnh không chỉ làm đa dạng dịch vụ, đa dạng các mặt hàng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn tăng thêm cơ hội việc làm cho hơn 400 lao động mà phần lớn là người dân địa phương. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan và đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Việc mở rộng quy mô bán lẻ, phát triển thị trường bán lẻ nội địa không chỉ kích cầu tiêu dùng, mà còn giải quyết được rất nhiều việc làm cho người dân tại mỗi địa phương. Ảnh: BẢO LOAN
Khi Central Reatail mở rộng thị trường bán lẻ tại Hưng Yên và tới đây là tại Yên Bái và các tỉnh thành khác, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa khác cũng không đứng ngoài cuộc. Theo đó, Saigon Co.op dự kiến mở hơn 150 điểm bán mới trong năm nay, nâng tổng số lên gần 1.000 điểm trên toàn quốc.
Còn Bách Hóa Xanh đã đạt 2.180 cửa hàng cuối tháng 5 mới lượng mở trung bình 2 - 3 điểm mỗi ngày trong 5 tháng đầu năm.
Ngoài ra, WinCommerce, dự kiến nâng lên hơn 4.500 cửa hàng vào cuối năm, trong đó 70% tại nông thôn.
Một điểm đáng chú ý trong sự phát triển của thị trường bán lẻ hiện đại hiện nay là yếu tố bền vững. Nhiều doanh nghiệp không chỉ hướng đến lợi nhuận mà còn tích cực tham gia vào các chương trình trách nhiệm xã hội. Đơn cử, Central Retail công bố tài trợ 2,5 tỷ đồng cho xây dựng Nhà Luyện tập đa năng tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Bảo Khê, theo sáng kiến "Mỗi trung tâm thương mại, một trường học".
Bán lẻ ở Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á
Theo Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6/2025, ước đạt 570,2 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số này không chỉ phản ánh sức mua đang phục hồi tích cực sau đại dịch, mà còn cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chất lượng và cạnh tranh đa dạng hơn.

Theo Cục Thống kê, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua đang phục hồi tích cực sau đại dịch. Ảnh: BẢO LOAN
Nhu cầu mua sắm, du lịch, giải trí tăng cao dịp lễ, hè cùng các chương trình kích cầu nội địa, khuyến mãi và lượng khách quốc tế gia tăng góp phần thúc đẩy doanh thu. Các trung tâm kinh tế lớn như đều ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, phản ánh xu hướng tiêu dùng vững chắc của người dân.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và hành vi tiêu dùng chuyển dịch nhanh chóng.
Điểm bán kênh bán hàng hiện đại chưa tới 15% thị trường, nhưng doanh thu từ các kênh này lại tăng trưởng nhanh chóng.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), năm 2024, kênh bán hàng hiện đại đã vượt qua mốc 1/4 tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Với dự báo thị trường bán lẻ Việt sẽ vượt mốc 200 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp ngành hàng bán lẻ trong và ngoài nước đều nhanh chóng đổi mới, đầu tư và thích nghi với xu hướng mới để không bỏ lỡ cơ hội.