Kiểm định khí thải xe máy từ 2027 sẽ được gì và mất gì?
Kiểm định khí thải xe máy từ năm 2027 giúp cải thiện chất lượng môi trường sống, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương (trẻ em, người cao tuổi).
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Tại Dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ này cũng phân tích những tác động đến môi trường, kinh tế - xã hội của từng giai đoạn áp dụng kiểm định khí thải xe máy.
Giai đoạn từ 1-1-2027
Quy định áp dụng, bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành từ 01 tháng 01 năm 2027 đối với xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn 2 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm TP Hà Nội và TP.HCM.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất bắt đầu thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành từ 01 tháng 01 năm 2027. Ảnh: TN
Cụ thể, xe mô tô sản xuất trước năm 2008, áp dụng Mức 1 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe mô tô sản xuất từ năm 2008 đến năm 2016, áp dụng Mức 2 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe mô tô sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30 tháng 6 năm 2026, áp dụng Mức 3 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe mô tô sản xuất sau ngày 01 tháng 7 năm 2026, áp dụng Mức 4 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe gắn máy sản xuất trước năm 2016, áp dụng Mức 1 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe gắn máy sản xuất từ năm 2017 đến ngày 30 tháng 6 năm 2027, áp dụng Mức 2 - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Xe gắn máy sản xuất từ ngày 01 tháng 7 năm 2027, áp dụng Mức 4 -Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá tiêu chuẩn này sẽ tác động tích cực đến cải thiện chất lượng môi trường sống, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương (trẻ em, người cao tuổi), cải thiện năng suất lao động thông qua việc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí. Giảm chi phí y tế gián tiếp và thiệt hại kinh tế do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí (hô hấp, tim mạch...) trên địa bàn 2 thành phố.
Tạo động lực nghiên cứu công nghệ đối với xe mô tô, xe gắn máy đối với các doanh nghiệp, hiệp hội xe máy. Thúc đẩy phát triển xe điện đồng thời tạo cơ hội phát triển cho các ngành công nghiệp phụ trợ (sản xuất pin, tái chế pin, thu mua tái chế linh kiện xe máy cũ,...).
Với định hướng, quan điểm xã hội hóa việc kiểm định khí thải xe máy sẽ tạo nên cơ hội kinh doanh, mở ra cơ hội việc làm cho người dân. Bên cạnh đó thúc đẩy thị trường dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa để đạt chuẩn khí thải.
Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát khí thải xe máy, cụ thể hóa các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024.
Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của kiểm soát khí thải, mở rộng ra thì việc bảo trì, bảo dưỡng kiểm tra xe ngoài đảm bảo để đạt yêu cầu quy định về khí thải thì còn giúp sớm phát hiện các lỗi, hỏng hóc của xe từ đó giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông do vận hành. Thúc đẩy, tạo nền tảng cho cơ chế “thu hồi – tái chế xe cũ” hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn. Từ đó mở ra cơ hội kinh doanh, việc làm cho người dân trong lĩnh vực tái chế phế liệu. Là căn cứ để xây dựng vùng phát thải thấp tại các khu trung tâm sau nội đô trước mắt và mở rộng cho giai đoạn tiếp theo.
Đây là giai đoạn thí điểm then chốt, quyết định tính khả thi của toàn bộ lộ trình. Nếu triển khai hiệu quả tại Hà Nội và TP.HCM, sẽ tạo nền tảng kỹ thuật, pháp lý và xã hội cho mở rộng toàn quốc. Đánh dấu nỗ lực trong việc kiểm soát, hạn chế khí thải từ mô tô, xe máy lưu hành
Bên cạnh đó thì cũng có những tác động tiêu cực mà Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu ra. Cụ thể, việc này sẽ phát sinh chi phí cho người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp sử dụng xe cũ (trước 2008) không đạt chuẩn, có thể buộc phải sửa chữa hoặc thay thế mới phương tiện.
Phát sinh chi phí đầu tư ban đầu cho hạ tầng kiểm định (thiết bị, nhân lực, cơ sở vật chất) và quản lý hành chính.
Nếu không có hệ thống thu hồi, xử lý xe cũ phù hợp, có thể phát sinh ô nhiễm từ phương tiện cũ, hỏng không được xử lý đúng cách. Rủi ro quá tải hệ thống kiểm định trong thời gian đầu nếu không có phương án hợp lý hoặc truyền thông kịp thời.
Có thể gây ra vấn đề xã hội, gây ra các phản ứng xã hội nếu thiếu chính sách hỗ trợ tài chính, truyền thông nâng cao nhận thức đặc biệt với nhóm người yếu thế, có thu nhập thấp ở nội đô.
Giai đoạn từ 1-1-2028
Quy định áp dụng: Áp dụng kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thừa Thiên Huế tương tự như giai đoạn trước.

Áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe máy có thể gây ra vấn đề xã hội nhưng cũng tác động tích cực đến nhiều sức khỏe, môi trường không khí. Ảnh: TN
Giai đoạn này có những tác động tích cực như cải thiện chất lượng sống, sức khỏe cộng đồng mở rộng tại các Thành phố trực thuộc trung ương đang đô thị hóa nhanh, có mật độ xe mô tô, xe gắn máy cao.
Mở rộng hiệu quả kiểm soát khí thải từ các thành phố ra các thành phố lớn khác, giúp giảm phát thải cải thiện chất lượng không khí.
Tiếp tục tạo động lực nghiên cứu công nghệ đối với xe mô tô, xe gắn máy đối với các doanh nghiệp, hiệp hội xe máy. Thúc đẩy phát triển xe điện đồng thời tạo cơ hội phát triển cho các ngành công nghiệp phụ trợ (sản xuất pin, tái chế pin, thu mua tái chế linh kiện xe máy cũ,...).
Tiếp tục mở rộng cơ hội kinh doanh, mở ra cơ hội việc làm cho người dân với mô hình cơ sở kiểm định. Bên cạnh đó cũng tiếp tục thúc đẩy thị trường dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa để đạt chuẩn khí thải.
Mở rộng phạm vi, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của kiểm soát khí thải. Tiếp tục thúc đẩy, tạo nền tảng cho cơ chế “thu hồi – tái chế xe cũ"
Tăng cường sự đồng bộ chính sách môi trường giữa địa phương, nâng cao năng lực quản lý.
Giai đoạn năm 2028 là bước mở rộng phạm vi áp dụng quy định khí thải, đóng vai trò cầu nối từ thí điểm (năm 2027) đến triển khai toàn quốc (năm 2030). Thành công trong giai đoạn này sẽ tạo đà cho sự đồng bộ chính sách và hiệu quả môi trường về dài hạn trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng tương tự vậy, giai đoạn này sẽ có tác động tiêu cực như phát sinh chi phí cho người dân, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp sử dụng xe cũ (trước 2008) không đạt chuẩn, có thể buộc phải sửa chữa hoặc thay thế mới phương tiện. Phát sinh chi phí đầu tư ban đầu cho hạ tầng kiểm định (thiết bị, nhân lực, cơ sở vật chất) và quản lý hành chính.
Nếu không có hệ thống thu hồi, xử lý xe cũ phù hợp, có thể phát sinh ô nhiễm từ phương tiện cũ, hỏng không được xử lý đúng cách.
Rủi ro quá tải hệ thống kiểm định trong thời gian đầu nếu không có phương án hợp lý hoặc truyền thông kịp thời.
Có thể gây ra vấn đề xã hội, gây ra các phản ứng xã hội nếu thiếu chính sách hỗ trợ tài chính, truyền thông nâng cao nhận thức đặc biệt với nhóm người yếu thế, có thu nhập thấp ở nội đô.
Giai đoạn từ 1-1-2030, áp dụng kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên phạm vi toàn quốc.
Giai đoạn từ ngày 1-1-2032, xe mô tô, xe gắn máy lưu hành trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM phải đáp ứng quy định về khí thải Mức 2 trở lên, tính từ ngày 01 tháng 01 năm 2032.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kiem-dinh-khi-thai-xe-may-tu-2027-se-duoc-gi-va-mat-gi-post849190.html