Kiểm định nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ trong tuyển sinh. Vì vậy, việc kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là cơ sở để khẳng định chất lượng đào tạo, cũng như nâng cao uy tín của trường.
Đạt chuẩn về chất lượng đào tạo
Cuối tháng 1.2021, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã công bố danh sách 159 trường đại học, cao đẳng đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước. Trong đó, Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh xếp thứ 6, với kết quả đánh giá đạt 80,83%; Trường Đại học Phạm Văn Đồng xếp thứ 44, với kết quả đánh giá đạt 81,97%.
Trường Đại học Phạm Văn Đồng là một trong những trường đại học địa phương đầu tiên đạt chuẩn chất lượng trong nước.
Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trần Đình Thám cho hay: Kiểm định chất lượng giáo dục là công cụ hữu hiệu giúp duy trì các chuẩn mực giáo dục và không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. Hoạt động kiểm định không chỉ giúp các trường đại học có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống, mà còn góp phần định hướng, xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động của mình. Nhận thức được tầm quan trọng của KĐCLGD, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã mời chuyên gia tư vấn và tập trung mọi nguồn lực để triển khai công tác này...
Sau khi hoàn thành việc kiểm định cơ sở đào tạo, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã triển khai việc tự đánh giá chương trình đào tạo, nhằm rà soát, xem xét toàn diện các mặt hoạt động. Trên cơ sở đó, nhà trường cập nhật, điều chỉnh bổ sung và lựa chọn giải pháp phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn của trường và nhu cầu xã hội. Trường cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai đánh giá ngoài chương trình đào tạo do các chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Kiểm định chất lượng (Đại học Đà Nẵng) thực hiện. Đầu tháng 3.2021, Trường Đại học Phạm Văn Đồng được trao chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho chương trình đào tạo đại học chính quy Ngành Công nghệ thông tin và Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (Đại học Đà Nẵng), TS.Dương Mộng Hà nhận định: "Trường Đại học Phạm Văn Đồng là trường đại học địa phương được kiểm định chất lượng cơ sở rất sớm. Trong quá trình đánh giá, chúng tôi tiếp xúc, trao đổi với cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên, cũng như các đơn vị liên quan trong và ngoài nhà trường. Chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin phản hồi tích cực từ các doanh nghiệp và sinh viên đối với hai chương trình đào tạo của trường. Nhà trường đã thể hiện mặt tích cực trong việc thiết kế hai chương trình đào tạo và phát huy mặt mạnh, kịp thời cập nhật thông tin mới. Sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh".
Hướng đến người học
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh, đến thời điểm này, cả nước có 170 cơ sở giáo dục đạt KĐCLGD; hơn 300 chương trình đào tạo được kiểm định. Người được hưởng lợi đầu tiên từ hoạt động KĐCLGD là sinh viên. Nếu năm 2015, Việt Nam chỉ có 3 trường có tên trong bảng xếp hạng giáo dục QS Châu Á, thì đến năm 2020, có 8 trường đại học trong tốp 500 trường hàng đầu Châu Á. Hiện nay, nước ta tiếp tục có thêm 3 trường, trong đó có Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh.
Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi Phạm Việt Hùng cho biết: Để nâng cao chất lượng đào tạo, Phân hiệu Quảng Ngãi áp dụng nhiều chương trình đào tạo mới đạt chuẩn AUN-QA; đào tạo theo chuẩn đầu ra theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, Phân hiệu Quảng Ngãi áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy như: Phương pháp PBL, dạy học theo dự án và đào tạo, nhằm phát huy tối đa vai trò tự lực của sinh viên trong học tập, nghiên cứu; dạy lý thuyết kết hợp tham quan thực tế tại các nhà máy, xí nghiệp; đa dạng hình thức giảng dạy...
Đến thời điểm này, Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh có 8 chương trình đã kiểm định và đạt chuẩn AUN-QA. Dự kiến trong năm 2021, nhà trường sẽ tiếp tục kiểm định 4 chương trình theo chuẩn AUN-QA và 6 chương trình theo tiêu chuẩn của Hội đồng Kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ (ABET), Mỹ - tổ chức kiểm định uy tín hàng đầu thế giới; đồng thời kiểm định trường theo tiêu chuẩn AUN-QA.
Ngoài ra, Tổ chức Giáo dục QS (Quacquarelli Symonds - Vương quốc Anh) xếp hạng Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh thứ 601+ trong các trường tốt nhất khu vực Châu Á năm 2021 (trên tổng số trên 27.000 trường đại học). Đây là trường đầu tiên trực thuộc Bộ Công thương được Tổ chức Giáo dục QS xếp hạng.