Kiểm soát chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ

Hiện nay, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm nhanh, tiện lợi ngày càng nhiều, nên số lượng các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội khá lớn, tuy nhiên đa phần là nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ cao mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm để không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh ở huyện Gia Lâm.

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh ở huyện Gia Lâm.

Các cơ sở ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm

Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 4.009 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, huyện đa dạng trong hình thức tuyên truyền tới người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm phục vụ người tiêu dùng thông qua nhiều phương thức như hệ thống loa phát thanh, trang thông tin điện tử, các buổi sinh hoạt chuyên đề...

Cùng với đó, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, trong quá trình kiểm tra đã kết hợp với tuyên truyền giáo dục các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, tình hình chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh việc cam kết an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (do huyện, xã, thị trấn quản lý) không thuộc diện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định. Cụ thể, lĩnh vực công thương quản lý đã yêu cầu 385/385 cơ sở cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm (đạt 100%); lĩnh vực nông nghiệp đã yêu cầu 2.460/2.594 cơ sở ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm (đạt 95%); lĩnh vực y tế yêu cầu 818/818 cơ sở ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm (đạt 100%). Nhờ làm tốt công tác quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thường là mô hình kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân không được quản lý chặt chẽ bởi hình thức đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Các cơ sở này thường tồn tại dưới các dạng là cửa hàng, quán ăn... Mô hình này sử dụng ít lao động, số vốn đầu tư không nhiều. Do đó, để kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra và yêu cầu các hộ ký cam kết sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến nay, cơ bản các cơ sở đều chấp hành, theo đó, lĩnh vực công thương có 1.448 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết; lĩnh vực nông nghiệp có 14.617 cơ sở; lĩnh vực y tế có 271 cơ sở đã chấp hành ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm.

“Nhờ thực hiện có hiệu quả các biện pháp tăng cường quản lý các cơ sở chế biến thực phẩm nhỏ lẻ theo đúng quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nên trên địa bàn không xảy ra các vụ ngộ độc tập thể, chủ các cơ sở chế biến thực phẩm đều hiểu đúng, đủ các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất”, ông Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết thêm.

Tuyên truyền đi đôi với xử lý vi phạm

Hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, thậm chí sản xuất theo thời vụ, gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quản lý. Ngoài ra, chủ hộ và người lao động tại các cơ sở chế biến thực phẩm không có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe định kỳ và nhất là chưa nắm được các quy định cơ bản về điều kiện, bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. Công tác quản lý thức ăn đường phố, quản lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng sử dụng chất bảo quản thực phẩm không đúng quy định.

Thực tế cho thấy, quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ chính là hình thức bảo đảm an toàn thực phẩm từ gốc, là mắt xích đầu tiên trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Do đó, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện cơ sở vi phạm cần xử phạt nghiêm theo quy định. Cùng với đó, các ngành chức năng tăng cường vận động người dân giám sát cộng đồng đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn Lưu Thị Hồng Sen kiến nghị, các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng đối với các sản phẩm thuộc diện tự công bố chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương cấp huyện, xã, thị trấn; đồng thời ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ phải công khai giấy chứng nhận và ký cam kết an toàn thực phẩm, địa chỉ nơi cung cấp nguyên liệu. Ngoài ra, các địa phương tăng cường giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn để truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các cơ sở sản xuất.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kiem-soat-chat-cac-co-so-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-nho-le-673134.html