Kiểm soát chặt các nguy cơ bùng phát dịch cuối năm

Thời tiết hiện nay đang là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ bùng phát dịch cuối năm, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vắc-xin, trang thiết bị, phương tiện và nhân lực, tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Phun hóa chất khử khuẩn phòng chống dịch bệnh tại thị trấn Mường Lát.

Phun hóa chất khử khuẩn phòng chống dịch bệnh tại thị trấn Mường Lát.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến 15/12/2024 (tuần 50), hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 334 ca nghi mắc sốt xuất huyết dengue (SXHD); 1 ca mắc và tử vong do dại tại xã Vạn Xuân (Thường Xuân); 185 ca tay chân miệng; 3 trường hợp liên cầu khuẩn lợn (2 trường hợp tử vong); 3 ca mắc bạch hầu; 64 ca bệnh ho gà.

Đáng chú ý, số ca nghi mắc sởi cao thứ 2 so với 28 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc với 917 ca, trong đó có 286 bệnh nhân dương tính với sởi (tăng cao so với cùng kỳ năm 2023). Tập trung tại các địa phương: TP Thanh Hóa (113 ca); Yên Định (99 ca); Sầm Sơn (83 ca); Thiệu Hóa (61 ca); Quảng Xương (51 ca)... Ghi nhận một số ổ dịch cộng đồng tại TP Sầm Sơn (16 ca), Thường Xuân (7 ca), Nông Cống (7 ca), Yên Định (12 ca). Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát và không ghi nhận ca mắc mới. Trong đó chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (667 ca), chiếm khoảng 78,2%, số trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng 234 ca, chiếm khoảng 27,4%; tỷ lệ mắc bệnh sởi trên địa bàn tỉnh là 17,8/100.000 dân, cao hơn so với khu vực miền Bắc có tỷ lệ mắc là 3,5/100.000 dân.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lê Trường Sơn cho biết, ngay từ đầu năm công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm được triển khai đồng bộ, hoạt động giám sát phát hiện sớm ca nghi mắc được thường xuyên duy trì tại bệnh viện và trong cộng đồng. Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, giám sát tình hình dịch bệnh, chú trọng giám sát ngăn chặn bệnh qua biên giới tại cửa khẩu, bến cảng, sân bay; chuẩn bị phương án đối phó trong tình huống có dịch xảy ra, bảo đảm không để dịch lan rộng. Đồng thời ban hành kế hoạch văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là một số dịch bệnh như SXH, bạch hầu, sởi, ho gà, tay chân miệng, bệnh dại,... kịp thời triển khai các biện pháp đáp ứng, nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh truyền nhiễm...

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2024, 100% các ổ dịch bệnh truyền nhiễm được phát hiện, xử lý, không để dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh diễn biến khó lường, khó dự báo luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện, miễn dịch giảm theo thời gian. Bên cạnh đó, nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng, trong khi hoạt động giám sát phát hiện người bệnh tại cộng đồng còn khó khăn; một thời gian dài thiếu vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống.

Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay trên địa bàn được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể bùng phát trong thời gian tới, nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống quyết liệt, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội năm 2025 sắp đến, sự giao lưu, đi lại trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng, nguy cơ các dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào tỉnh ta là rất lớn. Để người dân vui xuân, đón tết an lành, ngành y tế đã chỉ đạo hệ thống tuyến tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh; đồng thời chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ ở phạm vi, mức độ phù hợp với đặc điểm dịch tễ của từng ca bệnh, không để lây lan thành dịch, nhất là trong các cộng đồng có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm chủng và đưa trẻ em trong độ tuổi đi tiêm chủng các vắc-xin cần thiết, nhất là các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cùng với việc đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của ngành y tế, người dân cũng cần nâng cao ý thức và chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn, dinh dưỡng đầy đủ, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kiem-soat-chat-cac-nguy-co-bung-phat-dich-cuoi-nam-235899.htm